Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet (Anh) ngày 26/5, các quốc gia Trung Đông tiếp nhận hàng triệu người tị nạn Iraq và Syria hiện đang phải gồng mình trước áp lực đè nặng lên hệ thống y tế quốc gia ở tất cả các cấp, cũng như việc thanh toán tiền viện phí và các đơn thuốc cho những bệnh nan y có chi phí chữa trị đắt đỏ.
Chuyên gia y khoa Paul Spiegel thuộc Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), tác giả của công trình nghiên cứu trên, nhận định sự trợ giúp từ phía các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ là chưa đủ.
Thêm vào đó, gánh nặng chi phí y tế khiến chính quyền các nước tiếp nhận người tị nạn "điêu đứng."
Chẳng hạn, Jordan phải trả khoảng 53 triệu USD chi phí khám chữa bệnh cho người tị nạn chỉ trong 4 tháng đầu năm 2013.
Không chỉ có vậy, tại các quốc gia có mức thu nhập trung bình, tỷ lệ mắc các bệnh nan y như ung thư ngày càng cao; chi phí khám chữa bệnh ngày càng đắt đỏ.
Do đó, ông Paul Spiegel kêu gọi các nước tìm ra những kế hoạch tài chính mới để giúp gây quỹ hỗ trợ các quốc gia nói trên trong công tác khám chữa bệnh cho người tị nạn.
Chỉ tính riêng trong năm 2012, UNHCR đã ghi nhận con số kỷ lục 35,8 triệu người tị nạn, trong đó có 10,5 triệu người phải tị nạn ra nước ngoài và 17,7 triệu người chạy nạn trong nước./.