Giải quyết ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có nhiệm vụ chính là trữ nước, tưới tiêu cho các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nội bị ô nhiễm nặng từ rác thải, chất thải nông nghiệp và các khu công nghiệp.
Giải quyết ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ảnh 1Một nhánh sông Bắc Hưng Hải, đoạn qua huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên với nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe người dân. (Ảnh: Lan Chi/TTXVN)

Ngày 5/9, tại cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết công trình này rất quan trọng với nhiệm vụ chính là để trữ nước, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương và thành phố Hà Nội.

Hiện công trình đang chịu thêm chức năng thoát nước thải, chất thải nông nghiệp, kể cả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Cùng với thời gian và các tác động của biến đổi khí hậu, hệ thống đã xuống cấp và ô nhiễm nguồn nước sông đang ở mức báo động cần sớm giải quyết để đảm bảo an ninh nguồn nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải được bao bọc bởi 4 sông lớn là sông Hồng, Thái Bình, Đuống và Luộc.

Do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, hình thành nhiều khu công nghiệp, làng nghề, tình hình vi phạm pháp luật trong quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày càng gia tăng và nghiêm trọng.

Các tổ chức, cá nhân xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật vào hệ thống công trình thủy lợi diễn ra phổ biến dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước trong hệ thống ngày càng trầm trọng, đặc biệt là vào mùa cạn từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, quá trình đô thị hóa nhanh gây nhiều bất cập về môi trường.

Thành phố đã đặt các trạm quan trắc để phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm.

[Vi phạm về bảo tồn, hệ sinh thái tự nhiên bị phạt tới 400 triệu đồng]

Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị các bộ, ngành Trung ương liên quan hỗ trợ về vấn đề quy hoạch, cơ chế đầu tư để giải quyết ô nhiễm môi trường, các quy chuẩn về kỹ thuật về chất lượng nước thải.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và chỉ ra việc thiếu cơ chế phối hợp liên ngành cũng như cơ chế, chính sách pháp luật còn nhiều bất cập cần làm rõ nguyên nhân, các số liệu, địa bàn và nguồn ô nhiễm ở địa phương cũng như những các phương án đã triển khai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải theo hướng cập nhật năng lực vận hành các công trình thủy lợi, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu, đặc biệt là vận hành cống Xuân Quan, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lấy nước từ các sông khác để bổ cập cho sông Bắc Hưng Hải.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phương án ngăn vùng ô nhiễm, không làm ảnh hưởng môi trường mang tính liên tỉnh của sông; kiểm soát nước thải, chất thải trong nông nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong các kênh, kênh mương tưới tiêu.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng tập trung đôn đốc các chủ đầu tư đẩy mạnh đầu tư và sớm đưa vào vận hành vận hành ba nhà máy xử lý nước thải ở quận Long Biên, để giải quyết tình trạng ô nhiễm sông Cầu Bây.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đòi hỏi vận hành liên tỉnh, giải quyết liên ngành và địa phương.

Bởi vậy, công việc trước mắt mang tính cấp bách cần địa phương tiến hành rà soát toàn bộ dự án khu công nghiệp, bãi rác có nguồn nước thải lớn, bên cạnh xử phạt hành chính yêu cầu các chủ đầu tư có lộ trình bắt buộc trong vòng 1 năm các nhà máy phải quan trắc tự động nguồn thải lớn, đảm bảo thải ra môi trường nước thải đảm bảo theo quy định, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật.

Trong trường hợp sau 1 năm không đáp ứng sẽ cưỡng chế tạm dừng hoạt động dự án, nhà máy.

Bộ yêu cầu sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương khoanh vùng xác định tùy tính chất, mức độ ô nhiễm để nâng cao quy chuẩn xả thải cho đến khi đáp ứng yêu cầu, tạm thời không cho phép, cấp phép mới các dự án xả thải ra hệ thống sông Bắc Hưng Hải, tăng cường đầu tư hệ thống giám sát môi trường chất lượng nước, đặc biệt là hệ thống tưới tiêu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để cho phép thành lập Tiểu ban bảo vệ môi trường và quản lý tổng hợp hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; chuẩn bị quy chế về bảo vệ môi trường chung của địa phương, có quy hoạch tài nguyên nước hệ thống Bắc Hưng Hải; ban hành hệ thống quy chuẩn thủy lợi chung cho các địa phương, trong đó làm rõ việc cấp phép giữa các Bộ và địa phương liên quan.

Bộ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng ngân sách để đầu tư hệ thống quan trắc địa phương và liên tỉnh; ban hành danh mục tạm thời chưa đầu tư các dự án xả thải ra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, tuyệt đối không quy hoạch các bãi rác dọc hệ thống sông Bắc Hưng Hải; đầu tư ngay trạm bơm ở Xuân Quan (Hưng Yên) để giải quyết nước cho vụ Đông Xuân và Hè Thu.

Các cơ quan liên quan nghiên cứu để có cơ chế đặc thù huy động các dự án có năng lực tham gia xử lý nước thải, rác thải đối với làng nghề, khu, cụm công nghiệp, sẽ bổ sung vào trong Luật Môi trường đang sửa đổ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục