Giải thưởng Lớn-Vì tình yêu Hà Nội vinh danh nhà nghiên cứu Giang Quân

Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” được ví như “hàn thử biểu tình yêu Hà Nội.” Năm nay, giải thưởng đã vinh danh nhà nghiên cứu Giang Quân ở hạng mục “Giải thưởng Lớn.”
'Giải thưởng Lớn-Vì tình yêu Hà Nội' vinh danh nhà nghiên cứu Giang Quân. (Ảnh: TTVH)

“Giải thưởng ‘Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 8-năm 2015’ là một mùa giải bội thu với những đề cử ‘nặng ký’ và rất giàu tính phát hiện.”

Đó là đánh giá của nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam), Trưởng ban tổ chức giải thưởng tại lễ trao giải diễn ra chiều nay (23/9) tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

Theo đó, giải thưởng đã tôn vinh nhà nghiên cứu Giang Quân ở hạng mục “Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội.”

Bên cạnh đó, hội đồng giám khảo cũng trao một giải thưởng “Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội” cho việc thành lập Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô và một giải thưởng “Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội” cho “Đề án nghiên cứu phục dựng không gian điện Kính Thiên tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.” 

Đặc biệt, ở hạng mục “Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội,” hội đồng giám khảo đã trao giải cho hai đề cử: sách ảnh “Hà Nội - Capital City” (tiến sỹ Michael Waibel - Viện Địa lý-Đại học Tổng hợp Hamburg chủ biên) và chùm tác phẩm của nhà văn Trần Chiến về Hà Nội (tiểu thuyết “Cậu ấm” và tạp văn “A, đây rồi, Hà Nội 7 món”).

“Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội”

Nhà nghiên cứu Giang Quân tên thật là Nguyễn Hữu Thái, sinh năm 1927. Ông là tác giả của hơn 30 đầu sách chuyên khảo về đất và người Hà Nội: “Khâm Thiên - Gương mặt cuộc đời,” “Trò chơi, trò diễn dân gian Hà Nội,” “Từ điển đường phố Hà Nội,” “Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ,” “Ký sự địa chí Hà Nội”…

Theo nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, nhà nghiên cứu Giang Quân được giới nghiên cứu mệnh danh là “cuốn từ điển sống về Hà Nội.”

Các tác phẩm này là kết quả của một quá trình nghiên cứu, điền dã chỉn chu, bền bỉ về Hà Nội trong suốt 70 năm của ông. Chủ nhân của “Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2015” cho biết: “Tôi không bao giờ ngồi ở nhà để viết về một nơi tôi chưa từng đến. Tôi không yên tâm nếu không khảo sát thực tế, kể cả khi đã có sẵn tư liệu.”

Nhà nghiên cứu Giang Quân sinh ra tại Cẩm Giàng (Hải Dương) nhưng ông khẳng định: “Tôi là người của Hà Nội. Từ năm 1950, sau khi tham gia cách mạng ở quê nhà, bị địch bắt rồi thả, gia đình tôi chuyển về Hà Nội. Tôi đến với kinh kỳ như một cái duyên. Tôi ‘phải lòng’ văn hóa Kẻ Chợ, si mê văn hiến Thăng Long từ ngày đó. Bởi vậy, cũng từ năm 1950, tất cả các tác phẩm của tôi đều viết về Thăng Long-Hà Nội.”

“Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội”

“Đề án nghiên cứu phục dựng không gian điện Kính Thiên tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long” do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội thực hiện.

Đề án đặt mục tiêu phục dựng lại từng bước bằng không gian 3D tòa chính điện Kính Thiên cùng các bộ phận kiến trúc lân cận khác như: Đoan Môn, sân Đan Trì, tường Hành cung, Hậu lâu… Từ đó, không gian kiến trúc điện Kính Thiên và các công trình phụ cận sẽ được hình dung một cách toàn vẹn.

Điện Kính Thiên là Chính điện của Hoàng thành Thăng Long vào các triều đại Lê, Mạc, Lê Trung Hưng. Đây là nơi nhà vua cử hành nghi lễ đại triều và các nghi lễ quốc gia quan trọng.

Năm 1886, Điện Kính Thiên (sau này được đổi tên là Điện Long Thiên) bị thực dân Pháp phá hủy để xây Sở chỉ huy pháo binh. Hiện nay, Điện Kính Thiên chỉ còn dấu tích nền móng kiến trúc cao hơn 2 mét cùng bậc thềm chạm rồng và một số dấu tích khi đào thám sát.

Đôi rồng đá ở thềm điện Kính Thiên. (Ảnh: TTXVN)

“Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội”

Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô được thành lập vào tháng 10/2014. Đây là kết quả thực hiện chương trình phối hợp giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội được ký kết từ tháng 7/2012.

Trung tâm hướng đến việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác nghiên cứu khoa học phục vụ các yêu cầu phát triển bền vững của Hà Nội.

“Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội”

Sách ảnh “Hà Nội - Capital City” (tiến sỹ Michael Waibel - Viện Địa lý-Đại học Tổng hợp Hamburg chủ biên) gồm hơn 600 bức ảnh phản ánh đời đống muôn mặt của Thủ đô Hà Nội, có phụ đề bằng ba thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Đức.

Tác giả Michael Waibel đã sang Việt Nam nghiên cứu về sự phát triển bền vững của các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hai tác phẩm “Cậu ấm”“A, đây rồi, Hà Nội 7 món” của nhà văn Trần Chiến thể hiện những quan sát tinh tế và tình yêu Hà Nội tha thiết từ những khía cạnh giản dị của đời sống Thủ đô.

Nói khác đi, với chùm tác phẩm này, tác giả đã “vẽ” lại Hà Nội bằng nhiều mảng màu, nét họa sắc sảo; từ đó làm nổi bật tính cách, vẻ đẹp riêng của đất và người Hà Nội qua những thăng trầm của thời cuộc.

Hai tác phẩm của nhà văn Trần Chiến.

Phát biểu tại lễ trao giải, nhà báo Lê Xuân Thành nhấn mạnh: giải thưởng Bùi Xuân Phái được ví như “hàn thử biểu tình yêu Hà Nội.” Giải thưởng không chỉ tôn vinh tình yêu của những người con đất Việt mà còn vinh danh những “tình yêu Hà Nội” của nhiều người nước ngoài.

Đó là minh chứng cho thấy, giải thưởng đã vươn tới tầm quốc tế, khích lệ sự cống hiến của những người không phải công dân Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của Hà Nội.

“Điều này cũng một lần nữa khẳng định rằng, Hà Nội là nơi đáng sống, đáng yêu. Ở bất cứ thời kỳ nào, Hà Nội cũng là nơi hội tụ được tinh hoa của cả trong và ngoài nước, thu hút những tài năng đến sinh sống và cống hiến,” ông Lê Xuân Thành bày tỏ./.

Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” ra đời từ tháng 8/2008. Đây là sáng kiến của báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và gia đình cố họa sỹ Bùi Xuân Phái nhằm tìm tòi, phát hiện và tôn vinh những tác giả, tác phẩm, việc làm, ý tưởng “có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục