Gian nan 'hành trình' chuyển 70 triệu thẻ từ sang thẻ chip

Đến thời điểm cuối năm 2020, nếu ngân hàng chưa phát hành hoặc chưa chấp nhận thanh toán thẻ chip sẽ chịu toàn bộ rủi ro xảy ra do thẻ giả mạo.
Gian nan 'hành trình' chuyển 70 triệu thẻ từ sang thẻ chip ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietcombank)

Thời gian qua, tình trạng ăn cắp thông tin thẻ diễn ra khá nhiều, bằng phương thức sao chép thông tin thẻ, hay còn gọi là ATM skimming, vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu chậm nhất đến hết năm 2020, toàn bộ trên 70 triệu thẻ từ phải chuyển đổi xong sang thẻ chip.

Thẻ từ dễ bị xâm nhập

Trong thời gian qua, đã có nhiều vụ gian lận và giả mạo thẻ từ được thực hiện thành công, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế xã hội. Không chỉ vậy, các ngân hàng còn phải đối diện với áp lực các các tổ chức thẻ quốc tế về việc ngân hàng phát hành phải tự chịu những rủi ro khi lưu hành thẻ từ.

Một chuyên gia trong lĩnh vực thanh toán cho biết, hiện nay công nghệ thẻ từ khá lạc hậu, tội phạm dễ dàng gắn các thiết bị (skimming) vào các máy ATM để trộm cắp dữ liệu, làm giả thẻ từ, rút tiền. Sau khi lấy được thông tin, đối tượng sẽ làm giả thẻ ngân hàng và rút tiền tại các máy ATM. Mặc dù các ngân hàng đã lắp các thiết bị chống gian lận thẻ, lắp camera giám sát tại điểm chấp nhận thẻ nhưng các vụ ăn cắp thông tin thẻ vẫn diễn ra.

[Ngân hàng đầu tiên phát hành thành công thẻ chip ATM và thẻ contactles]

Chuyên gia này cũng cho biết thêm, skimming là thiết bị như một bảng nhựa chứa camera lấy cắp thông tin thẻ, được kẻ gian ốp phía ngoài khe quẹt thẻ. Bằng hình thức này, kẻ gian có thể ghi lại toàn bộ hoạt động nhập mã PIN của khách hàng khi rút tiền. Khi thẻ được đưa vào sẽ đi qua thiết bị skimming trước rồi mới vào khe cắm thẻ.

Mới đây nhất, vụ việc ăn cắp tài khoản qua skimming xảy ra tại cây ATM của Agribank trên phố Hàng Trống (Hà Nội). Theo đó, vào lúc 21 giờ 40 ngày 25/4, Agribank nhận được tin thông báo một số tài khoản thẻ của khách hàng bị trừ tiền dù không thực hiện giao dịch. Ngay lập tức, Agribank đã thực hiện xác minh, nhận diện, khoanh vùng và tạm khóa thẻ ATM nghi bị ảnh hưởng.

Nhận định nguyên nhân có thể do chủ thẻ bị đánh cắp thông tin dữ liệu thẻ trong quá trình sử dụng, để đảm bảo an toàn cho khách hàng, Agribank đã chủ động tạm khóa các thẻ ATM nghi bị sao chép dữ liệu. Đến sáng ngày 26/4, kết quả kiểm tra xác minh xác định có 12 khách hàng bị ảnh hưởng.

Mặt khác, do việc thẻ dễ dàng bị làm giả nên thời gian qua trên mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo làm được thẻ ATM giả mạo của bất cứ các ngân hàng nào.

Đã có nhiều vụ việc được Đội phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp với ngân hàng bắt quả tang các đối tượng, trong đó có nhiều đối tượng nước ngoài dùng thẻ để rút tiền tại các cây ATM.

Chính vì vậy, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, đến năm 2020, các ngân hàng Việt Nam phải hoàn thành việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip theo Dự án triển khai bộ tiêu chuẩn thẻ thanh toán nội địa VCCS.

Ông Lê Quốc Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, công ty này đã hoàn thành việc xây dựng và báo cáo Bộ Tiêu chuẩn thẻ chip nội địa VCCS để Ngân hàng Nhà nước xem xét, đánh giá và chính thức ban hành cùng với kế hoạch chuyển đổi chi tiết cho các ngân hàng. Bộ Tiêu chuẩn VCCS được xây dựng tương thích với tiêu chuẩn quốc tế EMV, bao gồm cả tiếp xúc và không tiếp xúc nên về cơ bản không có sự khác biệt lớn so với thế giới.

Hiện có 6 ngân hàng tham gia thí điểm phát hành thẻ chip gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, TPBank và ABBank. Đại diện một số ngân hàng thương mại cho rằng, việc chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip trong bối cảnh hiện nay nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng, tạo thuận lợi cho việc gia tăng các tính năng, tiện ích cho chủ thẻ. Đây là một bước ngoặt lớn đối với hoạt động phát hành, thanh toán thẻ của Việt Nam.

Là một ngân hàng thương mại cổ phần luôn đi đầu về công nghệ số, đầu năm nay TPBank đã là ngân hàng đầu tiên phát hành thành công thẻ ghi nợ nội địa (ATM) công nghệ chip, giúp chống lại nạn ăn cắp dữ liệu thẻ bằng phương pháp cài thiết bị đọc trộm thẻ khi giao dịch tại các cây ATM.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, TPBank đã sớm hoàn tất việc nâng cấp khả năng chấp nhận thẻ chip đồng thời cho cả hệ thống quản lý thẻ nội địa và quốc tế, nâng cao tính bảo mật và tiện dụng cho khách hàng sử dụng thẻ. TPBank cũng đã tích hợp công nghệ không tiếp xúc (contactless) cho cả thẻ quốc tế và thẻ nội địa, nhờ đó khách hàng không cần phải quẹt thẻ hay cắm thẻ vào khe cắm trên máy POS/mPOS nữa mà chỉ cần cầm thẻ lướt nhẹ qua là thiết bị đã có thể đọc được thông tin trên thẻ nhờ các anten tích hợp bên trong thẻ.


Cần sự đồng lòng

Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội thẻ Việt Nam cho hay, thẻ chip có ưu điểm như một máy tính nhỏ, có bộ vi xử lý, mọi vấn đề bảo mật thông tin thẻ cao. Khả năng tội phạm đánh cắp thông tin qua thẻ chip là khó hơn nhiều so với việc ăn cắp từ thẻ từ.

Cũng theo ông Tuấn, thẻ chip có thể được bổ sung nhiều chức năng như thông tin chủ thẻ, tích hợp thêm các dịch vụ y tế, gia tăng lợi ích và trải nghiệm cho khách hàng. Đối với thẻ từ, băng từ không được mã hoá nên việc kẻ xấu đọc thông tin thẻ khá dễ dàng.

Hội Thẻ ngân hàng kiến nghị, đến thời điểm cuối năm 2020, nếu ngân hàng chưa phát hành hoặc chưa chấp nhận thanh toán thẻ chip sẽ chịu toàn bộ rủi ro xảy ra do thẻ giả mạo. Tức là, nếu khách hàng bị hack tiền vì thẻ từ bị sao chép thông tin thì ngân hàng sẽ phải chịu toàn bộ thiệt hại.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, ngoài ứng dụng công nghệ ra thì vấn đề lớn nhất đối với các ngân hàng thương mại là kinh phí. Mỗi máy ATM đầu tư mới hiện vào khoảng 30.000 USD; mỗi thẻ chip khoảng 3 đến 4 USD (trong khi thẻ từ là 1 USD). Nếu có ngân hàng “chịu chơi”, lập tức chuyển đổi toàn bộ thẻ từ sang thẻ chip với điều kiện sẽ tăng phí để lấy thu bù chi? Điều này sẽ rất khó để thực hiện. Bởi thực tế nhiều năm qua, chuyện tăng phí rất khó có được sự đồng thuận giữa bên cung cấp dịch vụ với bên sử dụng dịch vụ.

Được biết, hiện Vietcombank đang dẫn đầu với gần 14 triệu thẻ, VietinBank có gần 13,7 triệu thẻ, Agribank và BIDV có lần lượt 11 triệu thẻ và gần 10,4 triệu thẻ. Chỉ tính riêng 4 ngân hàng quốc doanh đã phải bỏ ra tối thiểu là 1.700 tỷ đồng nếu chuyển đổi thẻ. Đó là chưa kể chi phí để nâng cấp hệ thống chấp nhận thẻ gồm máy ATM và máy POS để tương thích với thẻ chip.

Còn lãnh đạo NAPAS thì cho rằng chi phí chuyển đổi phụ thuộc vào kế hoạch triển khai cụ thể của từng ngân hàng và chi phí chuyển đổi của mỗi ngân hàng cũng khác nhau.

Khó khăn về mặt chi phí đã rõ, thế nhưng, quan trọng nhất là chuẩn thẻ chip chung cho cả hệ thống ngân hàng vẫn chưa được ban hành. Năm 2016, Ngân hàng Nhà nước dự kiến chậm nhất khoảng tháng 4/2017 sẽ ban hành bộ tiêu chuẩn thẻ chip. Trễ hẹn 1 năm, NAPAS vừa hoàn thành bộ tiêu chuẩn, đang trình Ngân hàng Nhà nước xem xét. Để về đích vào năm 2020, cần sự nỗ lực của cả hệ thống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục