Giáo viên bạo hành: Yếu kém nghiệp vụ và thiếu lương tâm nghề nghiệp

Trường học, nơi đáng ra phải là mái nhà thứ hai của trẻ, nhưng lại trở thành nỗi ám ảnh đáng sợ. Thầy cô thay vì là mẹ hiền, đã nghĩ ra rất nhiều hình phạt để làm nhục và tổn thương trẻ.
Giáo viên bạo hành: Yếu kém nghiệp vụ và thiếu lương tâm nghề nghiệp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: dpshots.com)

Trường học, nơi đáng ra phải là mái nhà thứ hai của trẻ, nhưng lại trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng. Thầy cô thay vì là mẹ hiền, đã nghĩ ra rất nhiều hình phạt để làm nhục và tổn thương trẻ. Những sự việc đau lòng liên tiếp xảy ra ngay trong môi trường giáo dục khiến nhiều người nhức nhối, xót xa.

Liên tiếp những vụ bạo hành

Việc giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương, chủ nhiệm lớp 3A5, Trường Tiểu học An Đồng (huyện An Dương, Hải Phòng) phạt học sinh vì nói chuyện trong lớp bằng hình thức bắt uống nước vắt từ giẻ lau bảng đang gây chấn động dư luận cả nước.

Và càng đáng lo ngại hơn khi đây không phải là sự việc hy hữu mà giáo viên bạo hành học sinh đã trở thành chuyện xảy ra liên tiếp trong các nhà trường trên khắp cả nước.

Trước đó, tháng 2/2018, cô Bùi Thị Cẩm Nhung, trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) phạt học sinh cả lớp phải quỳ hết tiết dù chỉ có hai em phạm lỗi chưa học bài.

Tháng 1/2018, giáo viên thể dục Nguyễn Văn Chức của trường Trung học cơ sở Xuân Sơn (Đông Triều, Quảng Ninh) đã tát vào mặt học sinh Cao Kiên Cường vì em này mất trật tự trong lớp. Do đã bị tổn thương ở đầu từ trước, hành động của thầy Chức đã khiến em Cường bị tụ máu não, phải cấp cứu tại bệnh viện.

Năm 2017 cũng xảy ra hàng loạt vụ việc đau lòng khi trẻ bị chính giáo viên bạo hành.

[Bạo lực học đường: Khi thầy cô lạm quyền với học sinh...]

Tháng 11/2017, clip các giáo viên của cơ sở Mầm Xanh (Thành phố Hồ Chí Minh) dùng tay, chân, muôi múc canh, can nhựa, cây lau nhà, thậm chí cả dao... để hành hạ, đánh đập, đe dọa trẻ mầm non đã gây sốc cho nhiều người. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đã phải thốt lên: "Tôi thật kinh hoàng".

Tháng 9/2017, 11 học sinh lớp 2 Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội), cho biết bị giáo viên dùng thước kẻ quật gãy thước. Sau khi thước gãy, cô tiếp tục dùng thước khác quật tím chân học sinh.

Tháng 8/2017, dư luận dậy sóng và xót xa trước hình ảnh một bé gái 8 tuổi ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, bị cô giáo đánh bầm dập mông khi đi học phụ đạo.

Tháng 4/2017, một phụ huynh của Trường Tiểu học Mễ Trì, Hà Nội, cũng tố cáo cô giáo đánh con bầm tím chỉ vì con chưa làm hết bài tập cô giao.

Tháng 3/2017, do không làm kiểm tra đạt điểm trên trung bình, 24 học sinh lớp 4 (Trường Tiểu học xã Diễn Lãm, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) bị cô giáo chủ nhiệm dùng thước nhựa đánh mạnh lên đầu và tay khiến các em sợ không dám đến trường.

Tháng 2/2017, clip hai cô giáo của trường Mầm non Sen Vàng (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dùng dép đánh vào đầu và thúc gối vào bụng trẻ mầm non khiến dư luận bàng hoàng. Trong khi đó tại Thành phố Hồ Chí Minh, hình ảnh một giáo viên dùng thước dài đánh mạnh liên tiếp vào người học sinh cũng được ghi lại tại Trường Trung học phổ thông Thủ Thiêm.

Giáo viên bạo hành: Yếu kém nghiệp vụ và thiếu lương tâm nghề nghiệp ảnh 2Giáo viên bạo hành trẻ ở Mầm non Sen Vàng. (Ảnh cắt từ clip)

Sự yếu kém của nghiệp vụ sư phạm

Theo Tiến sỹ Tâm lý giáo dục Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình, Hà Nội), những cách hành xử trên của giáo viên là rất đáng lên án. 

“Những giáo viên đó cần xem xét lại phẩm chất đạo đức nhà giáo và nghiệp vụ sư phạm quá kém. Bạo lực và sử dụng nhục hình là điều tối kỵ. Giáo viên không hề có sự tôn trọng học sinh. Điển hình như trường hợp đang gây bức xúc dư luận là giáo viên bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng là hành động quá dã man. Những hình phạt, cách cư xử đó của giáo viên sẽ ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến tâm lý và việc hình thành nhân cách các em sau này,” tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm nói.

Cho rằng việc có kỷ luật với học sinh là cần thiết, nhưng theo tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, giáo viên cần xây dựng cho các em tinh thần kỷ luật tự giác. Để làm được điều này cần mất nhiều thời gian, là cả một quá trình giáo dục học sinh về giá trị sống, kỹ năng sống, giúp học sinh hiểu ý nghĩa của kỷ luật và biết tự chịu trách nhiệm. Các hình thức kỷ luật cũng cần rõ ràng, công khai.

“Kỷ luật trên nguyên tắc để giáo dục chứ không phải là hạ nhục hay làm tổn thương học sinh. Ở trường Đinh Tiên Hoàng, chúng tôi phạt học sinh vệ sinh lớp, quét sân trường, hoặc nếu không học bài thì sẽ phải chép bài hoặc hôm sau phải học bài tốt hơn,” thầy Lâm chia sẻ.

[Cộng đồng mạng "dậy sóng" với vụ bạo hành trẻ em ở mầm non Sen Vàng]

Đây cũng là quan điểm của tiến sỹ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học phổ thông FPT. Theo ông Tùng, dùng các biện pháp bạo hành với học sinh thể hiện sự bất lực của người thầy. 

“Lúc nào cũng có học sinh lười, nghịch ở các mức độ khác nhau. Nhưng chính vì thế mới cần giáo viên, tức là người có kỹ năng nghề nghiệp sư phạm, giống như kỹ năng của người bán hàng là lúc nào cũng phải vui vẻ với khách hàng. Giáo viên cũng phải có tố chất để chịu đựng được học sinh. Nếu ai cảm thấy đấy là áp lực rất lớn thì phải thừa nhận một điều là mình không đủ tố chất để làm việc trong ngành giáo dục, không đủ tố chất để làm giáo viên, chứ đừng lấy cái đó để làm biện minh cho những biện pháp phi giáo dục của mình,” ông Tùng nói.

Là một giáo viên trực tiếp đứng lớp, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, trường Trung học cơ sở Trần Đại Nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bản thân cô cũng rất nhiều lần rơi vào tình huống học sinh chưa học bài hoặc có hành động, lời nói khiến cô tổn thương.

“Nhưng tôi chưa phạt học sinh bao giờ, cùng lắm chỉ la mắng và phân tích cho các em hiểu, hoặc phạt bằng cách yêu cầu các em làm lại bài. Tôi nghĩ rằng mình chịu nhún và thậm chí cứ để các em bộc lộ hết cá tính, rồi dùng tình cảm để thu phục học sinh. Mình thương và cho các em niềm tin, cho các em điểm tựa thì các em sẽ thay đổi. Tôi tin rằng tận sâu trong mỗi con người đều hướng thiện, mình thương các em thì các em sẽ thương mình. Quan trọng là ở tâm của người thầy,” cô Thảo nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục