Gìn giữ nét đẹp lễ hội của người dân vùng biển ở Kiên Giang

Lễ hội Nghinh Ông ở huyện Kiên Hải là lễ hội truyền thống của người dân Kiên Giang và được tổ chức hằng năm nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, ngư dân làm ăn thuận lợi.
Gìn giữ nét đẹp lễ hội của người dân vùng biển ở Kiên Giang ảnh 1Nghi lễ cúng trên biển cầu cho mưa thuận gió hòa. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Trong ba ngày 7-9/11 (nhằm ngày 14-16/10 âm lịch), tại ấp Thiên Tuế, xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) diễn ra Lễ hội Nghinh Ông huyện Kiên Hải năm 2022.

Đây là lễ hội truyền thống của người dân Kiên Giang và được tổ chức hằng năm nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, ngư dân làm ăn thuận lợi. Bên cạnh đó, còn là dịp tăng cường quảng bá, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.

Lễ hội Nghinh Ông năm 2022 gồm hai phần. Phần lễ diễn ra với các hoạt động như lễ cung thỉnh các vị thần linh; lễ cầu an, lễ cầu siêu; lễ kiến quân; lễ nghinh Thần Nam Hải; lễ chánh tế Nam Hải Đại Tướng, trong đó lễ nghinh Thần Nam Hải là lễ chính trong lễ hội.

Trong lễ hội diễn ra các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao; trưng bày hình ảnh tư liệu về biển đảo, lễ hội Nghinh Ông và các danh thắng Kiên Hải; tổ chức phục vụ đọc sách, trưng bày sách; trưng bày, giới thiệu, quảng bá du lịch và giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp trong tỉnh...

[Lễ hội Nghinh Ông thu hút hàng nghìn người dân và du khách]

Trong ngày hội, hàng trăm tàu thuyền, ghe xuồng neo đậu phía trước Đình Thần Nam Hải nằm sát biển chờ diễu hành. Người dân đảo Lại Sơn chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá nên Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm.

Gìn giữ nét đẹp lễ hội của người dân vùng biển ở Kiên Giang ảnh 2Thỉnh sắc Bà Cố Chủ, người đầu tiên khai phá ra Hòn Sơn ngày nay. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Vì vậy, gần đến ngày lễ hội hàng năm, hầu hết tàu thuyền dù đánh cá xa khơi cũng tụ tập về làm cho bến cảng hòn đảo giữa biển này đông nghẹt tàu thuyền.

Theo quan niệm, cá Ông là một vị thần thiêng, là vị cứu tinh, là chỗ dựa tinh thần của ngư dân mỗi khi ra khơi đánh bắt, khai thác và các hoạt động khác trên biển, nhất là những lúc gặp sóng to, gió lớn hoặc gặp nguy hiểm đe dọa…

Lễ hội Nghinh Ông là dịp để bà con ngư dân thể hiện nét đẹp truyền thống, cầu mong mưa thuận gió hòa, sự bình yên, an toàn khi ra khơi, cầu mong đánh bắt được nhiều tôm cá, để có được cuộc sống tốt hơn.

Lễ hội Nghinh Ông đã thực sự đi vào trong đời sống văn hóa tinh thần, là nét văn hóa đặc trưng truyền thống không thể thiếu của người dân huyện Kiên Hải nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kiên Hải, cho biết lễ hội Nghinh Ông năm 2022 thực sự được tiếp thêm sức mạnh cho huyện đảo có những bước bứt phá, phát triển.

Đặc biệt, từ khi Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang quyết định công nhận quần đảo Nam Du và Lại Sơn là các khu du lịch địa phương đã tạo động lực cho du lịch Kiên Hải phát triển. Đồng thời, các nét đẹp văn hóa, truyền thống của huyện được giới thiệu đến với bạn bè khắp mọi miền của đất nước, trong đó phải kể đến điểm nhấn đặc biệt, độc đáo của Lễ hội Nghinh Ông.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kiên Hải Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng lễ hội Nghinh Ông còn nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về sự phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên biển, đảo; góp phần phát triển du lịch biển đảo trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện.

Đồng thời lễ hội giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc trưng, những cảnh quan thiên nhiên mang đậm nét văn hóa biển đảo cũng như những tiềm năng, thế mạnh của Kiên Hải đến với du khách trong và ngoài địa phương.

Lễ hội cũng là dịp biểu dương sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa các gia đình ngư dân trong việc đánh bắt và khai thác hải sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục