Hà Nội: Bệnh nhân mắc COVID-19 nặng được chữa khỏi bằng kỹ thuật ECMO

Nam bệnh nhân 48 tuổi mắc COVID-19 nặng, đã được sử dụng nhiều kỹ thuật điều trị hiện đại như thở máy, lọc máu và cuối cùng là chạy ECMO, cuối cùng đã hồi phục sau 50 ngày chiến đấu với "thần chết."
Hà Nội: Bệnh nhân mắc COVID-19 nặng được chữa khỏi bằng kỹ thuật ECMO ảnh 1Êkíp bác sỹ, điều dưỡng điều trị ca bệnh của Bệnh viện Thanh Nhàn tặng hoa chúc mừng bệnh nhân H.V.N (giữa) khỏi bệnh, ra viện ngày 17/9. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Sáng 17/9, anh H.V.N - ca mắc COVID-19 nặng đầu tiên điều trị bằng kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Thanh Nhàn - đã được ra viện sau 50 ngày chiến đấu với COVID-19, giành giật sự sống.

Bác sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, đây là ca mắc COVID-19 nặng đầu tiên điều trị bằng kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Bệnh nhân đã trải qua 50 ngày chiến đấu với "thần chết," đã được sử dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong điều trị: thở máy, lọc máu và cuối cùng là chạy ECMO…

Trước đó, bệnh nhân H.V.N 48 tuổi, ở phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, được chuyển viện tới Bệnh viện Thanh Nhàn trong tình trạng khó thở, suy hô hấp không đáp ứng thở máy xâm nhập.

Hình ảnh chụp CT cho thấy bệnh nhân bị đông đặc 2 phổi, phổi tổn thương tới 80%. Nếu không can thiệp ECMO, bệnh nhân khó có thể qua khỏi.

Sau khi hội chẩn, các bác sỹ Bệnh viện Thanh Nhàn đã quyết định can thiệp ECMO để cứu sống bệnh nhân.

[Trẻ em mắc COVID-19 chỉ cần điều trị hỗ trợ tại nhà]

Theo bác sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, ECMO là một kỹ thuật khó, phức tạp và cũng là "cánh cửa" cuối cùng để có thể cứu sống được cho bệnh nhân. Rất may, bệnh nhân đã đáp ứng điều trị, hồi phục và được xuất viện.

Tính tới ngày 17/9, Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận 604 trường hợp F0, trong đó có 140 nặng từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên, đa số bệnh nhân mắc COVID- 19 là người lớn tuổi, có bệnh lý nền.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Hà Nội đã bố trí 4 bệnh viện đa khoa hạng 1 để điều trị tầng 3 - tầng hồi sức, trong đó có bệnh nhân thở máy, lọc máu, chạy ECMO.

Thực tế, tỷ lệ thành công trong điều trị bằng kỹ thuật ECMO rất thấp. Trong cuộc chiến cứu bệnh nhân khỏi biến chứng nặng của COVID-19 thì chạy ECMO là biện pháp cuối cùng.

Đây là ca mắc COVID-19 đầu tiên được cứu sống bằng kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Thanh Nhàn thuộc Sở Y tế Hà Nội. Qua trường hợp này có thể khẳng định nguồn lực của Sở Y tế Hà Nội sẵn sàng đáp ứng kịch bản xấu nhất có thể xảy ra.

Từ đầu dịch đến nay, Hà Nội có gần 4.000 trường hợp mắc COVID-19, trong đó lượng bệnh nhân phải ở tầng số 3 chiếm 5-6%. Bệnh nhân nêu trên là ca đầu tiên can thiệp ECMO./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục