Hà Nội làm rõ thông tin cưỡng chế khu vực Công viên nước Thanh Hà

Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Quang Ngọc khẳng định, quá trình xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với Công viên nước Thanh Hà được thực hiện theo quy định với công trình xây dựng không phép.
Toàn cảnh khu vực Công viên nước Thanh hà sau khi bị cưỡng chế. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)
Toàn cảnh khu vực Công viên nước Thanh hà sau khi bị cưỡng chế. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Ngày 11/2, tại buổi họp Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, liên quan đến thông tin lực lượng chức năng của quận Hà Đông thực hiện cưỡng chế khu vực Công viên nước Thanh Hà (phường Phú Lương, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) không đúng quy định pháp luật, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông Nguyễn Quang Ngọc khẳng định, quá trình xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với Công viên nước Thanh Hà được thực hiện theo quy định với công trình xây dựng không phép.

Cụ thể quận Hà Đông đã thuê các đơn vị tư vấn lập phương án phá dỡ, cơ quan chuyên môn thẩm định, để Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông ra quyết định phá dỡ. Việc cưỡng chế đối với Công viên nước Thanh Hà đã được Ủy ban Nhân dân quận tiến hành thận trọng, theo đúng các quy trình, thủ tục được pháp luật quy định.

[Công trình không phép: ‘Không còn chuyện phạt rồi cho tồn tại"]

Tuy nhiên, Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 đơn vị chủ đầu tư dự án Công viên nước Thanh Hà vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị giải quyết việc Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông thực hiện cưỡng chế khắc phục hậu quả vi phạm hành chính không đúng pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của doanh nghiệp.

Theo đơn kiến nghị của Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5, trong vụ việc này, việc gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng xuất phát từ những việc làm vô trách nhiệm của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông, để công chức, viên chức thực thi công vụ trái pháp luật dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng đối với doanh nghiệp và đặt nhà nước vào tình huống phải bồi thường thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Hà Nội làm rõ thông tin cưỡng chế khu vực Công viên nước Thanh Hà ảnh 1Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông Nguyễn Quang Ngọc thông tin tại buổi họp báo. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Do đó, Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 "kêu cứu" Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với các cá nhân chịu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo việc cưỡng chế trái pháp luật gây ra thiệt hại về tài sản cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật của thành phố Hà Nội tiến hành điều tra, xem xét trách nhiệm cá nhân của những cán bộ, công chức có liên quan đến việc thực hiện việc cưỡng chế trái pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với doanh nghiệp để xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, nhiều phóng viên báo chí đã đặt câu hỏi về việc Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông có xử lý vi phạm quá vội vã và đúng quy định pháp luật chưa? Đặc biệt, tại sao quận Hà Đông không chọn phương án xử lý khác mà lại đập bỏ hết, gây thiệt hại cho doanh nghiệp hàng trăm tỷ đồng.

Về việc này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông Nguyễn Quang Ngọc cho biết, toàn bộ công trình công viên nước này không có giấy phép, chính vì vậy, các cơ quan chức năng quận Hà Đông đã lập hồ sơ, xử lý theo quy trình xây dựng không phép đối với công trình này. Cụ thể, biên bản xác minh tình tiết vụ vi phạm xác định có 19 hạng mục công trình vi phạm.

Trong quá trình xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng, cơ quan chức năng đã gặp gỡ doanh nghiệp, vận động, thuyết phục chủ đầu tư tự giác tháo dỡ. Đến ngày 26/11/2019, doanh nghiệp đã gửi công văn thông báo xin tự giác tháo dỡ bắt đầu từ ngày 6/12/2019. Tuy nhiên, khi hết thời hạn khắc phục vi phạm về trật tự xây dựng trong các thông báo đã được gửi cho chủ đầu tư cũng như cam kết tự giác tháo dỡ của doanh nghiệp, thì hầu hết các hạng mục vẫn chưa được chủ đầu tư tháo dỡ. Cho nên, theo đúng quy trình của pháp luật, quận Hà Đông đã giao Ủy ban Nhân dân phường Phú Lương tiến hành cưỡng chế, xử lý công trình vi phạm và toàn bộ 19 hạng mục đã được xác định.

Đáng chú ý, đề cập đến vấn đề xem xét trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan khi để xảy ra công trình xây dựng không phép tồn tại trong thời gian dài, dẫn đến phải cưỡng chế, ông Nguyễn Quang Ngọc biết thêm, quận Hà Đông đang xem xét trách nhiệm của các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý và sai đến đâu, Ủy ban Nhân dân quận sẽ xử lý đến đó.

Về hướng xử lý của chính quyền địa phương sau thực hiện cưỡng chế tại khu vực Công viên nước Thanh Hà, ngày 6/2/2020, Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông đã có báo cáo gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc cưỡng chế khu vực Công viên nước Thanh Hà. Hiện Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông đang chờ sự chỉ đạo tiếp theo từ thành phố.

Dự án Công viên nước Thanh Hà được xây dựng trên lô đất A2.2 CCĐT01 thuộc khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 nằm trên địa bàn phường Phú Lương, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Dự án được xây dựng trên diện tích 3 ha với 11 công trình phục vụ vui chơi, 8 công trình phụ trợ với tổng mức đầu tư lên đến hơn 200 tỷ đồng. Đến ngày 15/1, Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông đã tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ công trình này do xây dựng sai phép./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục