[Hà Trần: “Tôi có những cái sướng mà người khác không có được”]
Dư luận trong nước lại được phen dậy sóng trước một clip được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội ngày hôm qua về việc nữ ca sỹ Hà Trần hát bản “hit” – “Anh cứ đi đi” của Hari Won trong một chương trình ca nhạc tại Hải ngoại. Người tấm tắc về đẳng cấp diva, người dè bỉu cô tự phá “đền đài.”
Đây không phải lần đầu tiên báo giới và mạng xã hội Việt Nam nổ ra tranh cãi về chuyện danh xưng, chiếu trên chiếu dưới, nhạc bác học nhạc thị trường. Thậm chí, nó cũ đến mức, chẳng còn gì mới thì truyền thông và công chúng lại nhấc lên đặt xuống chuyện danh xưng, đền đài, lăng tẩm.
Thỏa hiệp tất yếu?
Điệp khúc "khổ lắm, nói mãi" vẫn không sao đi đến hồi kết. Bởi nếu so với tiêu chí quốc tế, thì những “đền đài” của làng nhạc Việt vẫn còn ở khoảng cách khá xa. Bên cạnh những danh ca trước năm 75 được chính công chúng mộ điệu ghi nhận thì đa phần “đền đài” làng nhạc Việt sau thời đổi mới như "diva," "ông hoàng," "bà chúa" đều là những thậm xưng do truyền thông dựng lên.
Cần phải nhắc lại rằng, những năm cuối của thập niên 90 chứng kiến thời kỳ thịnh vượng và rực rỡ nhất của nhạc nhẹ Việt Nam. Ngoài đội ngũ sáng tác sung mãn như Thanh Tùng, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Dương Thụ, Bảo Chấn, Quốc Trung, Đỗ Bảo, Ngọc Châu, Đức Trí… chính là lứa giọng hát vàng gồm Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh và Trần Thu Hà. Họ được công chúng đón nhận, để lại dấu ấn riêng và ảnh hưởng tích cực cho giới làm nghề cũng như các thế hệ kế cận.
[“Bản nguyên” – Hà Trần: Dấu chấm son của một thập kỷ thai nghén]
Sau những đóng góp của họ, thì cho đến nay, giá trị hiện diện của bốn giọng hát này chính là việc họ vẫn lao động nghệ thuật và không thể thay thế nhờ tiếp tục vận động bởi hoạt động biểu diễn, thu âm, giữ cho đam mê không rời khỏi giọng hát của mình.
Trở lại việc một nghệ sỹ nổi tiếng, đã thành danh như Hà Trần hát lại một bản “hit” -“Anh cứ đi đi” của Hari Won. Chuyện hai tên tuổi, hai phong cách khác nhau đứng chung một sân khấu như trường hợp danh ca Tuấn Ngọc và Sơn Tùng M-TP, hoặc vẫn là Hà Trần với vai trò khách mời trong show Đàm Vĩnh Hưng ở Hải ngoại thực chất là gì?
Phải chăng đó đó là sự thỏa hiệp tất yếu trong đời sống âm nhạc? Nếu vậy thì, việc các “đền đài” hát cùng, hát lại ca khúc của ca sỹ thị trường là tự rơi vào vũng lầy của chính mình hay sự tiếp nhận của công chúng đang ở vùng trũng?
Diva: Đặc quyền và đẳng cấp
Truyền thông dựng lên những “đền đài” để công chúng mộ điệu mà quên mất rằng đền đài chính là ca sỹ. Sứ mệnh của họ là hát. Đơn giản hơn, đó là nghề nghiệp. Trong nghệ thuật, cụ thể là âm nhạc, các nghệ sỹ đều bình đẳng. Mỗi người một phong cách, một chỗ đứng, một giá trị.
Ở khía cạnh cống hiến, việc phán xét Hà Trần hát "Anh cứ đi đi" là phá "đền đài" và giá trị mới mà ca sỹ mang lại cho ca khúc, mang đến cho sự cảm nhận của công chúng thì đâu là yếu tố kích thích sự phát triển cho âm nhạc?
Thực tế, Hà Trần với thẩm mỹ và “đầu hát” thông minh, dù cô có hát bất kỳ dòng nhạc nào, ca khúc nào thì người nghe vẫn nhận diện được dấu ấn “bản nguyên,” nhưng cũng sẽ đầy bất ngờ với cách xử lý của ca sỹ.
Đó vừa là đẳng cấp, vừa là đặc quyền. Nó cho phép người nghệ sỹ mở rộng biên độ, khai phá, len lỏi thanh âm và tư duy sáng tạo mới mẻ tới những hang cùng, ngõ hẹp phong cách, dòng nhạc, tới những phân khúc thị trường mà lâu nay chưa tìm đến.
["Trần gia nhã nhạc - Chuyện phố bên sông”: Đêm của ký ức]
Vào cụ thể ca khúc của Hari Won qua sự thể hiện của Hà Trần đã đem lại những bất ngờ và được thích thú đón nhận bởi một lượng công chúng không ít. “Anh cứ đi đi” phiên bản Hà Trần khá lạ, văn minh qua hòa âm mới cùng lối xử lý theo phong cách "nhạc nhẹ" của cô.
Rõ ràng, nghệ thuật và âm nhạc là không biên giới, chỉ cần thử nghiệm, thay đổi dù chỉ một chút thôi thì đã có thể mang lại một giá trị mới.
Vì vậy, sao lại “ném gạch đá” về phía Trần Thu Hà, Tuấn Ngọc...khi họ đang làm tốt sứ mệnh của mình, làm nghề một cách chuyên nghiệp?
Chính Hà Trần đã phát biểu “đi làm thôi, có gì phải thắc mắc?" khi bị hỏi lý do cô nhận lời làm khách mời trong đêm nhạc của Đàm Vĩnh Hưng ở hải ngoại. Tương tự, Tuấn Ngọc có quyền hát với Sơn Tùng và thậm chí với bất cứ ai nếu thấy phù hợp.
Chính sự "thỏa hiệp" hay “va đập” tất yếu này sẽ góp phần xóa đi ranh giới định kiến về phong cách, thể loại, sự phân biệt chiếu trên chiếu dưới, nhạc sang nhạc sến, nhạc bác học thị trường, qua đó, sẽ thúc đẩy sự phát triển, giao thoa, kế thừa... cho âm nhạc. Và rốt cuộc, người có lợi chính là công chúng!
Công chúng: Ít chi, nhiều định kiến
Cách đây không lâu, trong một bài phỏng vấn trên báo chí, nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng đã mô tả về thực trạng “vùng trũng” của âm nhạc Việt Nam và cách tiếp cận của công chúng một cách bộc trực: “Việt Nam của chúng ta tôn vinh nhau với những danh xưng, giải thưởng. Nên hiểu điều này chỉ mang tính động viên. Cần nhìn thẳng vào thực tế, người nước ngoài sang Việt Nam mình, họ có nghe ngôi sao của mình hát không, có bỏ tiền ra mua đĩa ngôi sao của mình không?
Họ sang đây làm gì, họ đi Nha Trang, đi Vũng Tàu, họ ra đảo Phú Quốc ... họ thưởng thức những cái mà ông trời cho chúng ta. Là thiên nhiên sẵn có. Còn văn hóa do bàn tay con người tạo ra, có bao giờ chúng ta tự hỏi, nhà hát mở ra, có ai người nước ngoài đến và đi xem không?
Thực ra, chúng ta phục vụ cho nhau thôi. Và chúng ta tôn vinh nhau. Chúng ta thần tượng nhau, ngây ngất nhau. Nhưng mà chúng ta có mang cái đó ra thế giới được không?”
Còn theo nhận định của nhạc sỹ Quốc Trung – Nhà sản xuất Lễ hội Âm nhạc Gió mùa thì: "Việt Nam không có thị trường âm nhạc đúng nghĩa!"
Theo nhạc sỹ Quốc Trung, chúng ta không đáp ứng được bất cứ một tiêu chí gì của thị trường âm nhạc. Tiền ít, kỹ thuật kém, uy tín kém nhất nhất khu vực nhưng lại lắm đòi hỏi và quá nhiều định kiến.
Khán giả Việt Nam không có thói quen bỏ tiền mua vé thưởng thức âm nhạc như nhu cầu tự thân nhưng lại luôn có thói quen so sánh, hồ nghi.
Trước những cách tân và xé rào khuôn khổ, tiếp nhận của công chúng thay vì cởi mở thì lại rất khắt khe. Trong khi những cái cần khắt khe là về kỹ thuật, tổ chức, chất lượng âm thanh thì lại chẳng màng.
Với một môi trường âm nhạc như vậy, quả thực, nếu có là diva tầm cỡ nào, họ cũng chẳng làm gì được hơn. Bởi “đền đài" nào được dựng lên thì cũng chỉ mang giá trị như một đích đến cho giới làm nghề, một biểu tượng cho tiêu chuẩn để định hướng thẩm mỹ và thưởng thức công chúng trong một giai đoạn.
Họ nên được tôn trọng thay vì lối ứng xử cảm tính kiểu "hoàng đế cởi truồng" hay khắt khe và định kiến như “sống chung với mẹ chồng” của truyền thông hiện nay.
Trong khi đó, lúc này, Phương Nga được tụng ca là thông minh, nữ quyền còn Ngọc Trinh vẫn được đánh giá là ngôi sao hạng A, được tung hô như một biểu tượng ngay thẳng của showbiz Việt./.