Hải Dương: Khai hội truyền thống chùa Nhẫm Dương ở Kinh Môn

Lễ hội truyền thống chùa Nhẫm Dương, diễn ra từ ngày 20-21/4, với các hoạt động như tổ chức hát chèo, hát dân ca, giải cờ tướng mở rộng và nhiều trò chơi dân gian khác.
Hải Dương: Khai hội truyền thống chùa Nhẫm Dương ở Kinh Môn ảnh 1Ban tổ chức nhận hoa chúc mừng lễ khai hội chùa Nhẫm Dương. (Ảnh: Hiền Anh/TTXVN)

Ngày 20/4 (tức ngày 5/3 âm lịch), tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Nhẫm Dương, Ủy ban Nhân dân huyện Kinh Môn, Hải Dương tổ chức lễ khai hội truyền thống chùa Nhẫm Dương năm 2018 và lễ tưởng niệm 314 năm (1704-2018) ngày Thánh tổ Quốc sư Đại Nam Thông Giác Thủy Nguyệt nhập niết bàn (Giỗ Thánh tổ Quốc sư Thủy Nguyệt).

Tại buổi lễ, sau phần gióng trống, thỉnh chiêng khai hội và màn múa lân, trống hội là đến các nghi lễ thuyết pháp giảng đạo, cúng Phật, giới thiệu khái quát về Thánh tổ Thủy Nguyệt, dâng hương...

Lễ hội diễn ra từ ngày 20-21/4 với các hoạt động như tổ chức hát chèo, hát dân ca, giải cờ tướng mở rộng và nhiều trò chơi dân gian khác.

Chùa Nhẫm Dương, còn gọi là chùa Thánh Quang, tại xã Duy Tân, huyện Kinh Môn bởi ngôi chùa gắn liền với sự "hóa thánh," nghĩa là viên tịch kỳ lạ của vị đệ nhất tổ sư phái Tào Động là Thủy Nguyệt.

Dấu tích của sự viên tịch này vẫn còn lưu giữ trong hang Thánh Hóa cùng hang Tĩnh Niệm phía sau chùa và được sử sách ghi lại rất rõ trên văn bia bằng chữ Hán.

Chùa và hệ thống hang động ở Nhẫm Dương được coi là chốn tổ thiền phái Tào Động. Nơi đây có những núi đá, núi đất chạy dài theo thế rồng uốn voi phục. Hệ thống núi đá vôi, các hang động và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, là những kiệt tác hiếm có của Hải Dương và cả nước.

Dãy núi Nhẫm Dương với một hệ thống gồm 26 hang động lớn nhỏ, ẩn chứa bởi những hóa thạch phát hiện được đã minh chứng dãy núi này có thể là nơi sinh sống của người Việt thời tiền sử. Các hang động có giá trị to lớn về giá trị khảo cổ học cũng như về địa chất địa mạo như hang Tĩnh Niệm, hang Thánh Hóa và hang Tối.

Sư tổ Thủy Nguyệt vốn mang họ Đặng, quê ở Sơn Nam (nay là tỉnh Thái Bình) sinh năm 1637 dưới thời vua Lê Thần Tông. Sau 6 năm xuất gia học đạo, sư tổ Thủy Nguyệt vẫn chưa thỏa mãn đạo pháp về con đường giác ngộ nên xin phép sư phụ mình được du phương tham vấn các bậc Tôn túc trong nước.

[Công nhận Hệ thống bia ma nhai Động Kính Chủ là bảo vật quốc gia]

Năm 34 tuổi, sư tổ Thủy Nguyệt cùng một đệ tử đã sang đến đất Trung Hoa và gặp được vị hòa thượng Thượng Đức tu trên núi Phượng Hoàng.

Qua khá nhiều thử thách và khổ luyện học đạo, sư tổ Thủy Nguyệt được sư phụ ban pháp hiệu Thông Giác Đạo Nam Thiền Sư và cho phép trở về nước để giáo hóa muôn dân, phát triển đạo pháp. Tính theo hệ phái, Thiền sư Thủy Nguyệt là tổ đời thứ 36 của Thiền phái Tào Động Trung Hoa và là Đệ nhất tổ Thiền phái Tào Động Việt Nam.

Thiền sư Thủy Nguyệt đã khai nguyên chốn tổ Nhẫm Dương làm nơi thuyết pháp, phổ độ chúng sinh. Thiền sư còn đi truyền bá Phật pháp ở chùa Côn Sơn, Quỳnh Lâm, Yên Tử, Đông Sơn, khai sáng chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc tự) ở Hà Nội...

Năm 1704, Thiền sư Thủy Nguyệt viên tịch. Ngày viên tịch của Thánh tổ Thủy Nguyệt được lấy làm ngày tổ chức Lễ hội chùa Nhẫm Dương tức ngày 5/3 âm lịch hằng năm.

Ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng quần thể Di tích An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương thuộc huyện Kinh Môn là Di tích Quốc gia đặc biệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục