Hiện nay, nhiều con sông, con suối, hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã cạn nước do nắng hạn kéo dài khiến hàng chục nghìn hécta cây trồng có nguy cơ mất trắng hoặc giảm năng suất.
Trước tình hình hạn hán gay gắt đang diễn ra, tỉnh Đắk Lắk nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để cứu cây trồng, vật nuôi.
Sông hồ trơ đáy, cây chết khô
Dòng Krông Năng chảy qua địa bàn huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk giờ đã trơ đáy vì nắng hạn. Những người dân trong vùng cho biết đây là điều chưa từng có tiền lệ trên sông Krông Năng. Sông cạn đã khiến hàng nghìn hécta cây trồng và nhiều hộ dân đôi bờ “khát nước.”
Nhìn vườn càphê đang cháy lá, khô cành, anh Đinh Công Tuấn ở thôn Xuân Đạt, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng thở dài cho biết nếu một tuần nữa trời không mưa thì vụ càphê năm nay coi như mất trắng. Gia đình anh có 2,7ha càphê đang kinh doanh, đây là nguồn sống cho 8 người.
Để cây càphê sinh trưởng và phát triển bình thường, mỗi năm phải tưới từ 3 đến 4 đợt, nhưng năm nay hạn sớm, gia đình anh Tuấn mới chỉ tưới được đợt một cho 2ha, còn 7 sào chưa tưới lần nào. Nguyên nhân là do dòng Krông Năng nằm ngay dưới chân rẫy càphê nhà anh đã cạn trơ đáy từ đầu năm.
Hơn 1,7ha càphê của nhà ông Nguyễn Ngọc Sơn ở cùng thôn, sau khi tưới đợt một, giờ cũng đang phó mặc cho trời. “Do đá nhiều nên không thể đào giếng, nếu thuê khoan phải hết gần cả trăm triệu mới có nước. Gia đình không có tiền khoan giếng nên phó mặc cho thời tiết,” ông Sơn nói.
Sông cạn nước khiến cho mực nước ngầm ở hai bên bờ sụt giảm. Nhìn xuống giếng nước sâu 25m đã cạn khô, ông Cao Xuân Nhường (thôn Xuân Hà 2, xã Ea Dah, huyện Krông Năng), than thở: "Những năm trước giếng nước này ngoài việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt còn đủ tưới ba đợt cho 4 sào càphê. Năm nay, mới chỉ tưới được một đợt mà giếng đã cạn. Đến nay, diện tích càphê đang ngắc ngoải trong cơn đại hạn, còn gia đình tôi thì phải đi mua từng can nước về sử dụng và cứu mấy con bò đang chết khát. Phải đến cả chục năm nay, mới có cơn đại hạn ác nghiệt như năm nay."
Ông Lê Rế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Krông Năng, cho biết không chỉ riêng dòng Krông Năng và các suối lớn khác (cung cấp nước tưới cho hơn 50% diện tích cây trồng của huyện) bị trơ đáy mà nguồn nước của các công trình thủy lợi cũng đang kiệt dần.
Trong số 92 công trình thủy lợi thì 12 công trình đã cạn nước, 19 công trình còn 20-25% và 61 hồ đập còn khoảng 40% lượng nước. Vì vậy, việc chống hạn từ nay đến cuối vụ trên địa bàn huyện là vô cùng khó khăn.
Đến nay, toàn huyện đã có hơn 405ha lúa nước và ngô lai bị khô hạn, trong đó có gần 170ha bị mất trắng; 20ha tiêu bị khô cháy; hơn 3.500ha càphê thiếu nước tưới đợt hai.
Cũng theo ông Rế, huyện đã thành lập tiểu ban chống hạn, phân công cán bộ cùng người dân trong việc giám sát, điều tiết lượng nước cứu hạn, tổ chức nạo vét kênh mương; đồng thời kiến nghị với tỉnh hỗ trợ kinh phí mua xăng dầu. Tuy nhiên, nhiều giải pháp cũng chỉ được triển khai hạn chế, bởi nguyên nhân chính là không thể kiếm đâu ra nguồn nước để bơm chống hạn.
Phó mặc cho trời
Không chỉ riêng huyện Krông Năng mà hạn hán cũng đang hoành hành dữ dội tại hầu hết các huyện khác trong tỉnh như Ea Kar, Krông Bông, M’Đrắk, Krông Pắk…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có gần 24.300ha cây trồng các loại bị khô hạn gây ảnh hưởng đến năng suất, trong đó đã có gần 878ha mất trắng (chủ yếu là lúa nước, ngô lai và cây trồng khác); số còn lại thì mong cầm cự duy trì sự sống hoặc bị giảm năng suất. Tổng thiệt hại ước tính 765 tỷ đồng.
Toàn tỉnh Đắk Lắk có 69 hồ chứa bị cạn, chín đập dâng, hai trạm bơm không còn hoạt động, nhiều suối vừa và nhỏ không còn dòng chảy, mực nước ở các sông, suối lớn giảm nhanh. Hơn 2.500 hộ ở các huyện Ea Kar, Krông Bông, Krông Năng… thiếu nước sinh hoạt.
Những ngày này, đi đến địa phương nào của Đắk Lắk, cụm từ “nước tưới” được nhiều người nhắc đến nhất. Dưới cái nắng như thiêu như đốt là những lô càphê cành lá rũ rượi, những cánh đồng lúa khô cháy oằn mình dưới cơn đại hạn.
Không thể trông chờ vào nước thủy lợi, để cứu càphê, nhiều hộ đã phải thuê người đào, khoan giếng giữa lô sâu đến 30m, rồi 50-60m, chỗ này không có nước thì khoan chỗ khác; nhiều hộ dùng tới hai đến ba chiếc máy bơm để bơm chuyền từ những khu vực xa về lô nhằm duy trì sự sống cho càphê. Tuy nhiên, sức người đang đuối dần trước cơn hạn của trời...
Có mặt tại vườn càphê rộng 1,5ha của gia đình ông Nguyễn Hồng Phúc (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar), chúng tôi thấy ông đang hối hả giục bốn công nhân nạo vét giếng để tìm nước.
Sau Tết Nguyên đán, hai giếng nước của gia đình ông Phúc sâu hơn 25m đã trơ đáy. Hàng trăm cây càphê do thiếu nước nên có hiện tượng khô nhánh, rụng lá.
Để cứu càphê, vợ chồng ông phải thuê bốn nhân công đào giếng sâu thêm 3m, đồng thời dùng mũi khoan nhỏ khoan tỏa rộng ra xung quanh 50m để bắt mạch nước ngầm.
“Tổng chi phí để đào, vét, mở rộng 2 giếng khoảng 20 triệu đồng. Chúng tôi đã ngày đêm cật lực tìm nước từ “âm phủ,” nếu vẫn không đủ tưới thì chỉ biết phó mặc vườn càphê cho ông trời,” ông Phúc than thở.
Một thực tế khác, người dân đã tự làm khó mình trong việc phớt lờ khuyến cáo của cơ quan chức năng để “đánh bạc” với trời khi họ tự ý phát triển cây trồng ngoài vùng quy hoạch.
Theo thống kê, tổng diện tích cây trồng hàng năm vụ Đông Xuân 2014-2015 của tỉnh Đắk Lắk vượt gần 4.300ha so với kế hoạch(45.987ha/41.699ha); hàng nghìn hécta càphê được trồng tự phát ngoài vùng quy hoạch… Chính diện tích này đang phải hứng chịu cơn đại hạn nặng nề nhất.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã và đang thực hiện nhiều giải pháp chống hạn để cứu cây trồng vật nuôi và địa phương cũng đã chi hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ chống hạn nhưng bài toán tìm nguồn nước chống hạn vẫn chưa có lời giải. Ngay cả nguồn nước ngầm tưởng vô hạn hiện cũng trong tình trạng bị suy giảm trầm trọng. Việc chống hạn ở Đắk Lắk đến nay vẫn phụ thuộc vào tự nhiên./.