Hiến kế giúp ngành du lịch Hải Phòng tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch

Theo các chuyên gia, ngành du lịch Hải Phòng cần phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm khác biệt, đẳng cấp, có khả năng cạnh tranh cao, thúc đẩy tăng trưởng.
Hiến kế giúp ngành du lịch Hải Phòng tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch ảnh 1Nuôi cá lồng bè trên Vịnh Gia Luận-Cát Bà tạo cảnh quan đẹp thu hút du khách khi thưởng ngoạn du lịch biển đảo của Hải Phòng. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Hội thảo “Du lịch Hải Phòng - Cơ hội vàng bứt phát” đã diễn ra sáng 20/4 tại Hải Phòng nhằm cùng với các địa phương trên cả nước khởi động lại hoạt động du lịch sau thời gian dài ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Sự kiện do Báo Tiền Phong và Sở Du lịch thành phố Hải Phòng tổ chức nhằm ghi nhận các ý kiến hiến kế giúp ngành du lịch Hải Phòng tận dụng cơ hội, khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, tiếp tục phát triển, tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thuận lợi để phát triển thành vùng du lịch động lực

Nằm ở trung tâm vùng Duyên hải Bắc Bộ, Hải Phòng là một trong số ít địa phương trên cả nước hội tụ đủ 5 loại hình giao thông gồm đường biển, đường sông, đường bộ, đường sắt, đường hàng không được kết nối đồng bộ, thông suốt. Hải Phòng cũng được biết đến là một thành phố Cảng lâu đời, với các điểm du lịch nổi tiếng Đồ Sơn, Cát Bà.

Trong số đó, quần đảo Cát Bà hội tụ 5 danh hiệu quốc gia và quốc tế: Danh lam thắng cảnh-Di tích quốc gia đặc biệt, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn Biển và là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới với giá trị nổi bật về hệ sinh thái biển đảo, đa dạng sinh học và mỹ học.

Nếu như cách đây hơn 10 năm, nhắc đến du lịch biển Hải Phòng, người ta chỉ biết đến Đồ Sơn thì gần đây, Cát Bà và Vịnh Lan Hạ, bãi biển Cát Cò đang là những cái tên nổi bật đầy hấp dẫn. Quần đảo Cát Bà đang được đệ trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long-Cát Bà.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Nguyễn Thị Thương Huyền, giai đoạn trước đây, Hải Phòng tập trung phát triển dịch vụ cảng, công nghiệp và đã đạt được những bước phát triển quan trọng. Những năm gần đây đây, cùng với nhu cầu thị trường du lịch tăng nhanh và định hướng chiến lược trong dịch chuyển cơ cấu kinh tế thành phố, ngành du lịch đang nhận được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, thành phố Hải Phòng đã quyết nghị 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có “Phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước với trọng tâm là phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các dự án du lịch, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa.”

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Lê Phúc đánh giá cao sự chủ động của Hải Phòng trong chuẩn bị các điều kiện phát triển du lịch nội tỉnh, nội địa và sẵn sàng cùng cả nước mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch thời gian qua.

[Hải Phòng phục hồi, phát triển du lịch thích ứng an toàn dịch COVID-19]

Ông Nguyễn Lê Phúc cho rằng Hải Phòng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch; một trung tâm du lịch biển lớn của khu vực miền Bắc và cả nước. Hải Phòng cũng là vùng đất lâu đời với nhiều truyền thống văn hóa, lễ hội, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Du lịch Hải Phòng được định hướng phát triển bền vững, trở thành một trọng điểm du lịch quốc gia...

Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 đã xác định 7 khu vực động lực của du lịch Việt Nam, trong đó có khu vực Hà Nội-Quảng Ninh-Hải Phòng-Ninh Bình.

Đây là khu vực động lực đặc biệt quan trọng với nhiệm vụ thúc đẩy phát triển du lịch của cả vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, rộng hơn có thể là cả khu vực miền Bắc. Sự phát triển của du lịch Hải Phòng vừa là động lực thúc đẩy, vừa tạo điều kiện hỗ trợ sự phát triển của cả khu vực động lực nói riêng cũng như của cả vùng và cả nước nói chung.

Làm mới sản phẩm để gia tăng lượng khách, doanh thu

Tuy có nhiều tiềm năng nổi bật nhưng du lịch Hải Phòng vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là khách quốc tế đến đây mới chỉ đạt gần 1 triệu lượt (chiếm 1/18 lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam)...

Hiến kế giúp ngành du lịch Hải Phòng tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch ảnh 2Một góc thành phố Hải Phòng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam tập trung “làm mới” hoạt động du lịch, từ công tác làm mới sản phẩm, xúc tiến, quảng bá hướng tới các thị trường nguồn khách quốc tế. Do đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc đề nghị du lịch Hải Phòng tập trung phát triển sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng hóa, kết nối với các tỉnh, thành phố khác như miền Trung, Hà Nội, Quảng Ninh... nhằm tạo ra các nhóm sản phẩm du lịch, nâng chất các sản phẩm hiện có.

Đây là việc cần thiết phải làm để tạo hành lang an toàn, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, hình thành tour trọn gói; tăng khả năng chi tiêu của du khách; quan tâm phát triển một số mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế du lịch ban đêm... Bên cạnh đó, Hải Phòng cần đẩy mạnh xúc tiến mở các đường bay từ cảng hàng không quốc tế Cát Bi nhằm tối ưu hóa hiệu suất sử dụng trong hoạt động du lịch.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, du lịch Hải Phòng cần tập trung phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm khác biệt, đẳng cấp, có khả năng cạnh tranh cao.

Đó là các sản phẩm du lịch chủ đạo, có khả năng thu hút khách du lịch đến Hải Phòng bao gồm: Du lịch sinh thái, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng biển cao cấp tại quần đảo Cát Bà; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao (golf), dịch vụ casino tại bán đảo Đồ Sơn; du lịch MICE, mua sắm tại khu vực trung tâm thành phố Hải Phòng; du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp tại khu vực ngoại thành.

Cụ thể, Hải Phòng cần xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch trên cơ sở phát triển các sản phẩm ưu tiên với một số định hướng cụ như phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn thành trung tâm dụ lịch biển đảo chất lượng cao, cơ sở vật chất hiện đại, sản phẩm du lịch khác biệt; huy động nguồn lực nhằm xây dựng Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm du lịch MICE hàng đầu của vùng và cả nước, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao.

Phát triển sản phẩm du lịch MICE gắn với đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo quốc tế lớn kết hợp du lịch mua sắm.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cát Hải Nguyễn Quang Vinh cho biết trong thời gian tới, để du lịch Cát Hải nhanh chóng phục hồi và phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế, huyện Cát Hải tập trung vào một số giải pháp về xúc tiến, quảng bá.

Huyện tập trung phát triển thị trường, chú trọng phân khúc thị trường khách nội địa, đặc biệt vào các dịp đầu mùa xuân (mùa lễ hội), các kỳ nghỉ lễ, tết và mùa hè. Đặc biệt, du lịch Cát Hải hướng tới thị trường khách nội địa các tỉnh miền Nam; đổi mới phương thức, hình thức, nội dung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

Huyện Cát Hải cũng mở rộng hợp tác thu hút khách du lịch từ các thị trường có đường bay thẳng tới Hải Phòng như thị trường Đông Bắc Á, Australia, Tây Âu, Đông Âu, thị trường khách du lịch là chuyên gia đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, Việt kiều về nước thăm thân.

Huyện tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch, nâng cao khả năng kết nối giữa Cát Bà với Hạ Long và các trọng điểm du lịch khác trên cả nước; trong đó, chú trọng kết nối các tuyến, điểm tham quan giữa Vịnh Hạ Long với các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà sau khi Vịnh Hạ Long- Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thiên thiên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục