Hội thảo quốc tế về gây tê vùng đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam

Các nghiên cứu gần đây tại các nước phát triển cho thấy khoảng 10-50% bệnh nhân sau phẫu thuật có đau dai dẳng. Bệnh nhân phẫu thuật ở Việt Nam và trên thế giới đều đối mặt với các nguy cơ nói trên.
Hội thảo quốc tế về gây tê vùng đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam ảnh 1Các bác sỹ thực hiện một ca phẫu thuật có áp dụng gây tê vùng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 15/6, Hội thảo quốc tế về gây tê vùng (RA Asia 2019) đã diễn ra tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 200 diễn giả và đại biểu từ nhiều quốc gia châu Á.

Đây là lần đầu tiên hội thảo quốc tế về gây tê vùng tổ chức tại Việt Nam, do Hệ thống y tế Vinmec chủ trì.

[Bộ Y tế: Cẩn trọng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp]

Theo thông tin tại hội thảo, các nghiên cứu gần đây tại các nước phát triển cho thấy khoảng 10-50% bệnh nhân sau phẫu thuật có đau dai dẳng. Bệnh nhân phẫu thuật ở Việt Nam và trên thế giới đều đối mặt với các nguy cơ nói trên. Tuy nhiên, tại Việt Nam, gây tê vùng - trong đó có đau sau mổ còn là lĩnh vực tương đối mới.

Hội thảo năm nay tại Việt Nam tập trung vào các vấn đề như: An toàn trong gây tê vùng; Xu hướng gây mê giảm đau tốt nhất năm 2019; Các phác đồ gây mê và giảm đau mới nhất; Vai trò của các bác sỹ gây mê trong phục hồi sớm sau phẫu thuật…

Các diễn giả báo cáo là những chuyên gia hàng đầu trong áp dụng kỹ thuật Gây tê vùng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Đài Loan, Hongkong...

Hội thảo quốc tế về gây tê vùng đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam ảnh 2Chuyên gia chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại hội thảo, các bác sỹ không chỉ chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mà còn có thể thực hành nâng cao tay nghề 20 loại kỹ thuật gây tê như gây tê thần kinh mặt, đám rối thắt lưng, đám rối cánh tay, cột sống ngực, bụng… trên người mẫu với hướng dẫn của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này.

Hội thảo quốc tế về gây tê vùng (RA Asia) là sự kiện được tổ chức thường niên từ năm 2011 với mục tiêu xây dựng một cộng đồng chuyên môn quan tâm lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật gây tê vùng trong gây mê hồi sức-điều trị đau có cơ hội chia sẻ, cập nhật những kiến thức mới.

Phát biểu tại hội thảo, giáo sư Philippe Macaire - Trưởng khoa Gây mê giảm đau (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec) chia sẻ, RA Asia 2019 sẽ mang đến cơ hội cập nhật các kỹ thuật mới, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này cho các bác sỹ Việt Nam.

“Chúng tôi hy vọng có thêm nhiều bệnh viện trong nước áp dụng phương pháp giảm đau sau mổ không sử dụng Opioid, nâng cao hơn nữa chất lượng phẫu thuật. Người bệnh có thể tập phục hồi chức năng sớm sau mổ, giảm thiểu nguy cơ chuyển thành đau mãn tính, nâng cao chất lượng cuộc sống sau chấn thương và phẫu thuật,” giáo sư Philippe Macaire nhấn mạnh.

Phó giáo sư Công Quyết Thắng - Chủ tịch hội gây mê hồi sức Việt Nam.

Hiện Vinmec đã thực hiện 1.000 ca ESP trong mổ tim hở thành công 100%, người bệnh hoàn toàn không đau, không biến chứng và sự cố. Kỹ thuật phong bế gây tê và giảm đau mới áp dụng cho phẫu thuật cột sống và điều trị đau lưng dưới, vai trò của bác sỹ gây mê trong ngăn chặn đau tồn dư sau phẫu thuật… được đồng nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao.

Trong công tác điều trị, đau tồn dư và đau mãn tính sau phẫu thuật do tác dụng phụ thuốc giảm đau có opioid đang được giới y khoa Mỹ và nhiều quốc gia khác coi như một cuộc khủng hoảng và tổ chức nhiều chiến dịch để đẩy lùi tình trạng này./.

Tháng 12/2018, Vinmec đã ký kết Hiệp hội gây mê thế giới (WFSA) cam kết đảm bảo an toàn tối đa trong gây mê phẫu thuật. Vinmec đã nâng tầm và hoàn thiện kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống dưới.

Trong gây mê hồi sức, Hệ thống Y tế Vinmec tuân thủ các phác đồ gây mê, các hướng dẫn an toàn gây mê, bảng kiểm gây mê đối với 100% phẫu thuật nhằm giảm thiểu tối đa sự cố và tác dụng không mong muốn, theo khuyến nghị của Hiệp hội gây mê châu Âu.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục