Honda sản xuất động cơ phản lực để tiến vào thị trường máy bay

Công ty Honda đã bắt tay vào chế tạo động cơ cho chiếc máy bay phản lực cỡ nhỏ HondaJet của mình tại một công ty con ở Burlington, North Carolina (Mỹ).
Honda sản xuất động cơ phản lực để tiến vào thị trường máy bay ảnh 1Honda sản xuất động cơ phản lực để tiến vào thị trường máy bay. (Nguồn: AFP)

Hôm 12/11 vừa qua, công ty Honda đã bắt tay vào chế tạo động cơ cho chiếc máy bay phản lực cỡ nhỏ HondaJet của mình tại một công ty con ở Burlington, North Carolina (Mỹ).

Honda hy vọng sẽ được Cục Hàng không Dân dụng Liên bang Mỹ cấp giấy chứng nhận cho động cơ này vào quý 1 năm 2015.

Động cơ phản lực cánh quạt đẩy HF120 do Honda hợp tác phát triển cùng công ty General Electric, người khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện ở Mỹ được quảng cáo là sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn 10% so với các thiết bị cùng loại khác có mặt trên thị trường, thể hiện sự cải tiến rõ rệt về hiệu suất thiết bị của Honda.

Với khả năng sản xuất 500 động cơ/năm, Honda còn muốn cung cấp một số động cơ cho Sierra Industries Ltd. một công ty bảo trì máy bay ở Mỹ với hy vọng tận dụng được lợi thế theo quy mô.

Masahiko Izumi, Chủ tịch Honda Aero Inc., công ty con của Honda nhận nhiệm vụ sản xuất động cơ phát biểu: "Chúng tôi sẽ dần mở rộng quy mô sản xuất để tiến tới đa dạng hóa các chủng loại động cơ đưa ra thị trường."

Trong khi đó, Thống đốc bang North Carolina Pat McCrory rất hoan nghênh việc Honda sản xuất động cơ ở đây. Ông cho biết: 'Tôi hy vọng một ngày gần nhất, các động cơ cho HondaJet và động cơ phản lực GE Honda sẽ đến được tay khách hàng trên khắp thế giới."

Sản xuất động cơ là một bước tiến quan trọng trong kế hoạch tiến vào ngành kinh doanh máy bay với HondaJet của Honda. Công ty này hy vọng sản phẩm máy bay phản lực cỡ nhỏ của mình sẽ đóng vai trò nguồn lợi nhuận chính bên cạnh sản xuất ô tô và xe máy. Tuy nhiên trước mắt, vẫn còn rất nhiều thử thách cần Honda giải quyết.

"Đây là một sự kiện quan trọng với cả ngành hàng không, vì Honda là công ty duy nhất sản xuất cả máy bay và động cơ," Yoshiharu Yamamoto, Giám đốc quản lý cao cấp của Honda cho biết.

Máy bay HondaJet có thể chở được 7 người tính cả phi công và có giá khoảng 4,5 triệu USD. Honda đã nhận được đơn đặt hàng hơn 100 chiếc máy bay từ lãnh đạo cấp cao của các công ty và những người giàu có trên thế giới.

Tính trên toàn cầu, trong năm 2013, đã có 680 chiếc máy bay phản lực cỡ nhỏ được bán ra. Thị trường này có mức tăng trưởng hàng năm trung bình là 5% trong vòng hai thập kỷ qua. Nhu cầu mua máy bay dự kiến sẽ tăng lên ở các nền kinh tế mới nổi tại châu Á và châu Mỹ Latinh. Lượng máy bay bán ra được kỳ vọng sẽ đạt con số 1530 chiếc vào năm 2030.

Song song với việc nâng cao thương hiệu tại thị trường máy bay phản lực cỡ nhỏ, Honda cũng đang tập trung vào phát triển kinh doanh động cơ. Thị trường động cơ hàng không vốn rất khó thâm nhập khi các doanh nghiệp lớn như Pratt&Whitney đã nắm vị trí thống lĩnh ở đây.

"Chúng tôi hy vọng kinh doanh động cơ sẽ bắt đầu mang lại lợi nhuận hàng năm từ năm 2020," Atsukuni Waragai, Giám đốc bộ phận động cơ của Honda cho biết.

Honda cũng sẽ bán động cơ cho các nhà sản xuất máy bay như Cessna Aircraft Co. của Mỹ và Embraer S.A của Brazil./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục