Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa công bố báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam tháng Chín mở đầu với nhận xét: "Quá tốt đẹp để có thể là sự thật? Lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn".
Chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu
Để chứng minh cho nhận định của mình, HSBC đưa ra một loạt các số liệu kinh tế nổi bật của Việt Nam thời gian qua. Chỉ số quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) của Việt Nam đã tăng từ mức 50,3 trong tháng Tám lên mức 51,7 trong tháng Chín do có nhiều đơn hàng mới hơn, giá cả đầu vào giảm đáng kể. PMI phản ánh khá rõ xu hướng hoạt động rất tốt của lĩnh vực xuất khẩu Việt Nam.
Bên cạnh đó, HSBC dẫn nguồn Tổng cục thống kê Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu cả nước 9 tháng năm 2014 ước đạt tăng 14,1%. Đây là một kết quả ấn tượng khi xét trong hoàn cảnh tổng cầu không mấy sáng sủa như hiệu nay. Dấu hiệu đáng mừng là trong những năm gần đây, Việt Nam đang chuyển từ vị thế nhập siêu sang xuất siêu. Thặng dư thương mại 8 tháng qua đạt mức kỷ lục hơn 3 tỷ USD.
CPI cả nước tháng Chín giảm do giá dầu giảm và áp lực cầu yếu. HSBC dự đoán CPI sẽ ở mức thấp hơn 4% vào cuối năm 2014.
Chỉ số tồn kho công nghiệp đang có xu hướng giảm dần trong 9 tháng qua cũng là một dấu hiệu đáng mừng. Theo đánh giá của HSBC, Việt Nam đang có cơ hội lý tưởng khi lượng hàng tồn kho thấp và số đơn hàng cao đồng thời lĩnh vực sản xuất ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế.
Riêng trong quý III năm 2014, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất đạt 9,8% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp 1,9 điểm % vào tỷ lệ tăng trưởng GDP của cả nước. Tính chung 9 tháng năm 2014, GDP cả nước đã tăng trưởng 5,62% và là mức tăng trưởng vượt mọi dự báo. Trước tình hình đó, HSBC dự báo GDP quý IV năm nay sẽ tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2013.
Giảm chấp nhận rủi ro
Việt Nam đang trong giai đoạn đàm phán các Hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do (FTA)... dự kiến đến đầu năm 2015, các hiệp định này được ký kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng vọt và nâng cao mức thặng dư thương mại.
Tuy nhiên, theo bản báo cáo của HSBC, trong khi lĩnh vực sản xuất phát triển ngày càng mạnh mẽ, ngành dịch vụ của Việt Nam dường như chững lại. Mặc dù có sự chuyển đổi mạnh về nhân khẩu học và thu nhập gia tăng, sức phát triển của ngành dịch vụ vẫn đang ở mức thấp do lòng tin người tiêu dùng yếu và tỷ lệ nợ xấu cao trong lĩnh vực tài chính.
Tín dụng hạn chế cho khối công ty nhà nước khiến tăng trưởng thu nhập của nhiều người lao động Việt Nam chững lại, nhất là ở phía Bắc. "Thực tế là các gia đình Việt Nam hoặc đang trả dần các khoản nợ hoặc bị giảm tài sản do vàng và bất động sản rớt giá, hoặc có ít cơ hội việc làm hơn và những điều này khiến họ thắt chặt chi tiêu và giảm độ chấp nhận rủi ro," bản báo cáo nhận xét.
HSBC dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì ổn định trong ngắn hạn, lạm phát giảm do cung thừa, cầu yếu và tăng trưởng tín dụng chậm.
Trong trung hạn, HSBC cho rằng Việt Nam cần cải cách thị trường lao động, tài chính, cơ sở hạ tầng và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững. Bên cạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao để giải quyết vấn đề việc làm và xuất khẩu, Việt Nam cần phải có kế hoạch tiếp thu công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Tuy vậy, HSBC cũng cho rằng Nhà nước cũng phải hết sức chủ động đưa ra các chính sách để tối đa hóa các cơ hội đó. Để đạt được điều này, các nhà hoạch định chính sách đã thực hiện bước đầu tiên là giảm đầu tư lãng phí. HSBC không kỳ vọng tăng trưởng tín dụng đạt hơn 10% trong năm nay./.