"Bức tranh kinh tế đã sáng hơn nhưng mức độ phục hồi còn thấp"

Ủy ban Giám sát cho biết, bức tranh kinh tế của Việt Nam đã phục hồi và có chuyển biến nhanh, đặc biệt, chênh lệch lãi suất toàn ngành ngày càng giảm.
"Bức tranh kinh tế đã sáng hơn nhưng mức độ phục hồi còn thấp" ảnh 1Sản xuất linh kiện xe máy trên dây chuyền tại Công ty CP phụ tùng số 1-Khu công nghiệp Sông Công. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Tại Báo cáo kinh tế vĩ mô 9 tháng, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, bức tranh kinh tế của Việt Nam đã phục hồi và có chuyển biến nhanh, đặc biệt chênh lệch lãi suất toàn ngành (NIM) ngày càng giảm.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Ủy ban cũng nhấn mạnh, trong 9 tháng qua, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được đảm bảo và đà phục hồi kinh tế được duy trì. Tuy nhiên, mức độ phục hồi kinh tế còn thấp so với mục tiêu cũng như tiềm năng của nền kinh tế và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Bức tranh kinh tế đã sáng hơn

Theo Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đà phục hồi kinh tế của Việt Nam được duy trì và có dấu hiệu chuyển biến nhanh hơn, nhất là trong quý 3/2014, tốc độ tăng trưởng cao hơn gần 1% so với quý 1/2014 (6,15% so với 5,25%).

Như vậy, đà phục hồi tăng trưởng quí 3 đang tạo điều kiện thuận lợi để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% cho cả năm.

Bên cạnh đó, theo báo cáo, lạm phát tiếp tục được giữ ổn định ở mức thấp trong hơn 2 năm qua. Lạm phát cơ bản vẫn trong xu hướng giảm kể từ một năm qua và giảm xuống còn 3,12% trong tháng Chín so với cùng kỳ. Với xu hướng trên, Ủy ban Giám sát dự báo, nếu không có những biến động lớn về giá các mặt hàng cơ bản, thì lạm phát cả năm 2014 chỉ trong khoảng 3-4%.

Lạm phát giảm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất. Lãi suất huy động tiền đồng phổ biến kỳ hạn 6 tháng giảm từ mức 7,2%/năm đầu năm 2014 xuống còn 6,1% (tính đến ngày 20/9). Thanh khoản hệ thống tiếp tục ở trạng thái tốt, hỗ trợ cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ.

Cán cân thanh toán thặng dư ghi nhận mức cao kỷ lục 10,15 tỷ USD giúp gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, tạo điều kiện ổn định tỷ giá.

Cán cân ngân sách cũng bước đầu cải thiện. Bội chi ngân sách Nhà nước 9 tháng là 124,5 nghìn tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ 2013. Cán cân ngân sách được cải thiện do thu ngân sách Nhà nước được cải thiện.

Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng 6,4% so cùng kỳ năm trước (5,4%), trong đó, xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng tốt. Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 13,2% và 12,1% so với cùng kỳ năm trước, với mức xuất siêu lên gần 1 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất có tốc độ tăng trưởng khá tốt. Máy móc thiết bị phụ tùng có kim ngạch tăng 33%, kim loại tăng 40%, vải tăng 82%, chất dẻo tăng 31%, và dệt may da giày tăng 30%.

Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát cũng chỉ ra, trong 9 tháng qua doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn như chỉ số PMI giảm 4 tháng liên tiếp kể từ tháng 4/2014 và mới chỉ tăng một chút trong tháng Chín này cho thấy điều kiện sản xuất mặc dù tiếp tục được cải thiện nhưng chưa thực sự bền vững. Trong 9 tháng qua cũng đã có 48,33 nghìn doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 13,8% so với

cùng kỳ.

Chênh lệch lãi suất ngày càng giảm

Cũng tại Báo cáo kinh tế vĩ mô, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, chênh lệch lãi suất toàn ngành (NIM) ngày càng giảm, qua đó ảnh hưởng đến năng lực tài chính của tổ chức tín dụng cũng như khả năng trích lập dự phòng xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Dẫn báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm được các ngân hàng công bố, Ủy ban cho hay, tỷ lệ NIM 6 tháng đầu năm 2014 của hầu hết các ngân hàng đều giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Thu thập số liệu từ 15 tổ chức tín dụng, tỷ lệ NIM trung bình của 15 tổ chức tín dụng này đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2013.

"Bức tranh kinh tế đã sáng hơn nhưng mức độ phục hồi còn thấp" ảnh 2Chênh lệch lãi suất toàn ngành ngày càng giảm. (Nguồn: TTXVN).

Đối với tiến độ xử lý nợ xấu, Ủy ban Giám sát cho rằng vẫn còn chậm so với kỳ vọng do. Nguyên nhân được Ủy ban này chỉ ra, lợi ích của việc bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) theo cơ chế hiện hành chưa đủ mức khuyến khích tổ chức tín dụng tích cực bán nợ xấu cho VAMC, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang thấp hơn đáng kể lãi suất tái cấp vốn đối với lãi suất trái phiếu của VAMC.

Trong khi đó, tiến độ phát mại tài sản đảm bản phụ thuộc vào sự phục hồi của thị trường bất động sản. Quan trọng hơn, thủ tục tố tụng, thi hành án kéo dài, nhiều rủi ro cùng với thủ tục phát mại rườm rà phức tạp là một trong những nguyên nhân kéo dài tiến độ xử lý nợ xấu của khu vực ngân hàng.

Theo khuyến nghị của Ủy ban Giám sát, trên cơ sở ổn định vĩ mô đang được đảm bảo, nhất là lạm phát có xu hướng giảm, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét cung cấp nguồn vốn với lãi suất thấp ưu đãi cho các tổ chức tín dụng nhằm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay mà không ảnh hưởng đến NIM của hệ thống tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước để VAMC mua nợ xấu. Nếu không, cần kéo dài thời hạn tái cấp vốn trái phiếu đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thêm nguồn vốn dài hạn rẻ, từ đó mạnh dạn cung tín dụng dài hạn cho khu vực tư nhân, qua đó khuyến khích tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC.

Ngoài ra, khuyến nghị cho rằng cần thiết phải ban hành cơ chế đặc biệt về phát mại tài sản đảm bảo cho VAMC theo hướng tăng quyền cho công ty này quyết định phát mại tài sản, tổ chức đấu giá tài sản và các thủ tục tố tụng, thi hành án nhằm rút ngắn thời gian xử lý nợ, giảm chi phí xử lý nợ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục