IPEF - Sự bổ sung động lực mới cho hội nhập kinh tế Đông Nam Á

Việc Mỹ công bố IPEF là minh chứng mới nhất về chủ nghĩa thực dụng đối với khu vực và sự cởi mở đối với các nhóm kinh tế tiềm năng có lợi.
IPEF - Sự bổ sung động lực mới cho hội nhập kinh tế Đông Nam Á ảnh 1Một dây chuyền may gia công sản phẩm quần áo bảo hộ lao động và áo sơ mi xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trang Eurasia Review có trụ sở tại châu Âu cho rằng 12 quốc gia, gồm bảy quốc gia Đông Nam Á, tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) của Mỹ cho thấy sự bổ sung động lực mới cho các nền kinh tế mới nổi và hội nhập kinh tế khu vực Đông Nam Á.

IPEF xoay quanh Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ gửi thông điệp phản bác lại những chỉ trích rằng chính sách của Washington không ưu tiên khu vực Đông Nam Á.

Việc Mỹ công bố IPEF là minh chứng mới nhất về chủ nghĩa thực dụng đối với khu vực và sự cởi mở đối với các nhóm kinh tế tiềm năng có lợi.

[Những điều kiện cần để IPEF phát huy hiệu quả về an ninh và kinh tế]

Mong muốn đạt được thành công, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và các Bộ trưởng các nước tham gia IPEF đã tiến hành cuộc họp không chính thức ngày 11/6 năm ngoái tại Paris (Pháp) để thảo luận về trụ cột thương mại của IPEF.

Được coi là “điểm nóng” của sự cạnh tranh địa chính trị, Đông Nam Á thường xuyên được các cường quốc quan tâm đến đầu tư và kết nối trong hoạt động tiếp cận chiến lược.

Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, Chiến lược phát triển Cơ sở hạ tầng chất lượng của Nhật Bản, Chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ, Chính sách “Hướng Nam Mới” của Hàn Quốc và thậm chí Chính sách “Hướng Nam Mới” của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đều phù hợp với mục tiêu đó. Do vậy, IPEF đại diện cho cách tiếp cận kinh tế được chờ đợi của Mỹ với khu vực.

Điều này gây được tiếng vang ngay lập tức khi Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã đồng hành với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và New Zealand trong cam kết được đưa ra.

Ba ngày sau, Fiji trở thành nước đầu tiên ở châu Đại Dương tham gia IPEF. Như vậy, IPEF bắt đầu thành công tốt đẹp, mặc dù chặng đường phía trước còn dài và gian nan.

Mặc dù không phải là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp cắt giảm thuế quan và tiếp cận thị trường, nhưng việc thu hút các công ty mở rộng chuỗi cung ứng và tập trung đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và công nghệ tạo thành những động lực mạnh mẽ.

Sự đón nhận nồng nhiệt đối với IPEF hoàn toàn trái ngược với sự miễn cưỡng và thậm chí là lo ngại của một số nước Đông Nam Á đối với các thỏa thuận an ninh do Mỹ dẫn đầu như Nhóm “Bộ Tứ” (QUAD)gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ và AUKUS - thỏa thuận quốc phòng ba bên giữa Australia, Vương quốc Anh, và Mỹ.

Nhiều quốc gia trong khu vực coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và do đó có sự nghi ngờ việc tham gia vào các nhóm mà Bắc Kinh coi là bất lợi hoặc nghi ngờ lớn.

IPEF được triển khai tại Tokyo trong chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Biden nói lên nhiều điều về tầm quan trọng của Nhật Bản với tư cách là một đồng minh và đối tác quan trọng chống ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương.

Đối mặt với thách thức kinh tế và xây dựng quy tắc của Trung Quốc

Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2017, Trung Quốc triển khai hai Diễn đàn Vành đai và Con đường năm 2017 và 2019.

Năm 2020, Trung Quốc trở thành nền kinh tế thành viên lớn nhất tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - FTA lớn nhất thế giới bao gồm tất cả 10 thành viên ASEAN và năm đối tác đối thoại.

Bảy quốc gia ASEAN và tất cả năm đối tác đối thoại đã phê chuẩn để hiệp định này có hiệu lực vào đầu năm nay.

Năm ngoái, Trung Quốc cũng bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số.

Ngoài thương mại, Bắc Kinh còn thể hiện sự hiện diện trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển. Năm 2018, Trung Quốc ra mắt cơ quan viện trợ nước ngoài riêng - Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc.

Năm 2020, Trung Quốc đề xuất Sáng kiến Toàn cầu về Bảo mật Dữ liệu, một động thái thay đổi cuộc chơi gây ảnh hưởng các cường quốc công nghệ.

Tháng 9/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong bài phát biểu tại kỳ họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, đề xuất Sáng kiến Phát triển Toàn cầu đẩy nhanh việc hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.

Thành công của Trung Quốc trong việc xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh lương thực thúc đẩy sự tự tin của Trung Quốc trong việc chia sẻ bài học và hỗ trợ cho các nước đang phát triển khác.

Trong khi Mỹ hướng nội nhiều hơn và xa lánh các đồng minh và đối tác trong thời kỳ lãnh đạo của cựu Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc tự định vị mình như một nước ủng hộ chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do. Do đó, dưới cách tiếp cận mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden, IPEF được kỳ vọng giúp Mỹ khôi phục lại vị trí đã mất.

IPEF truyền sức sống mới vào chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, cho phép đáp ứng với ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Mặc dù IPEF có thể không thay thế vai trò kinh tế của Trung Quốc trong khu vực, nhưng có thể giảm bớt sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Bắc Kinh về thương mại, đầu tư và cơ sở hạ tầng.

IPEF khẳng định vai trò lâu dài của Mỹ trong việc cập nhật các quy tắc và tiêu chuẩn cho các công nghệ tiên tiến.

Sự hiện diện đối kháng của Mỹ cũng có thể mang lại một số bước đệm cho các quốc gia lo lắng về các biện pháp trừng phạt kinh tế của Trung Quốc nếu các mối quan hệ trở nên khó khăn vì các sự cố trên biển được xử lý sai hoặc các khác biệt về chính sách đối ngoại khác.

Rào cản gia nhập thấp và tính linh hoạt là những đặc điểm chính của IPEF. Các quốc gia có thể tham gia bất kỳ trụ cột trong bốn trụ cột chính sách: Thương mại, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, khử carbon và cơ sở hạ tầng và thuế, và chống tham nhũng.

Tuy vậy, không có gì đảm bảo rằng tất cả những nước tham gia từ đầu tiếp tục hoàn thành quá trình nhưng việc cung cấp bốn lĩnh vực độc lập có thể giúp các thành viên tiềm năng đánh giá xem họ muốn ưu tiên lĩnh vực nào trong khi hạn chế tiếp xúc với các lĩnh vực khác mà có thể cảm thấy chưa sẵn sàng thời điểm hiện tại.

Việc "đóng khung" IPEF như một thỏa thuận hành pháp thay vì một hiệp ước yêu cầu sự can thiệp của quốc hội cũng có thể đẩy nhanh quá trình này nhưng có thể được coi là ít ràng buộc hơn.

Sự hoài nghi đối với các cuộc đàm phán đa phương kéo dài về việc thu hút các cơ quan lập pháp và công khai ở trong nước có thể khiến Mỹ quyết định tham gia IPEF thay vì một FTA thông thường.

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện là trung tâm trọng điểm của thế giới và Mỹ không từ bỏ vị trí trong việc viết ra các quy tắc con đường cho thương mại, tài chính và đổi mới trong khu vực địa lý quan trọng này.

Cách tiếp cận “trò chơi kinh tế”

IPEF báo hiệu Mỹ sẵn sàng và có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực mà nước này chiếm ưu thế do Mỹ rút lui khỏi các FTA đa phương và thời hạn sử dụng ngắn của các sáng kiến kinh tế với khu vực.

Mỹ vẫn là nhà đầu tư lớn nhất ở Đông Nam Á và Washington có thể dựa trên mặt trận này làm sâu sắc thêm các mối quan hệ kinh tế với khu vực sôi động ở ngoại vi Trung Quốc. Một số yếu tố chắc chắn làm tăng khả năng khu vực nhận được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn, bao gồm cả từ Mỹ.

Khi các công ty Trung Quốc bị hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng gia tăng trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ, nhiều không gian hơn đang được mở ra cho các công ty ASEAN.

Nhưng để IPEF ở lại “trò chơi kinh tế” phải chứng minh được khả năng tồn tại của thỏa thuận này.

Cách ly các thỏa thuận thương mại khỏi những thăng trầm của chính trị trong nước Mỹ báo hiệu cho các đối tác khu vực rằng các chính quyền kế nhiệm của Mỹ - bất kể ai đang ngồi trong Nhà Trắng hay đảng chiếm đa số trong Quốc hội - tôn trọng cam kết quốc tế trước đó.

Việc rút khỏi TPP năm 2017 làm suy giảm sự tín nhiệm của Mỹ về các vấn đề thương mại. Với các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới và bầu cử Tổng thống năm 2024, các nhà lãnh đạo khu vực hy vọng IPEF không bị gián đoạn lớn.

Hơn nữa, mặc dù việc đặt ra thời hạn cho các cuộc đàm phán là tốt, nhưng Mỹ phải đưa ra các điều khoản cho phép đối với những sự chậm trễ có thể xảy ra nếu các cuộc đàm phán sa lầy.

Một IPEF đáng kể có lợi cho tất cả các bên không thể bị thay thế cho một phiên bản yếu kém gấp rút ghi điểm trong nước khi Mỹ tổ chức cuộc họp Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2023 hoặc trước cuộc bầu cử năm 2024.

Mỹ cũng phải xoa dịu những lo ngại trong khu vực rằng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng không phải là yếu tố trước tiên làm đảo lộn các chuỗi cung ứng tích hợp cao hoặc đẩy nhanh quá trình tách biệt công nghệ toàn cầu.

Những lo ngại như vậy khiến nhà lãnh đạo như cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad khuyến khích Mỹ mời Trung Quốc tham gia IPEF. Đối với nhiều nước trong khu vực, Trung Quốc là nguồn cung cấp nguyên liệu thô và nguyên liệu đầu vào trung gian hàng đầu, một dây chuyền lắp ráp, một thị trường cuối và một nhà đầu tư chính.

Mỹ cần rút ra những kinh nghiệm từ những thành công kinh tế trong quá khứ cho khu vực và tìm ra sự thỏa hiệp với các sáng kiến có liên quan của các đối tác.

Ví dụ, kinh nghiệm lâu năm của Nhật Bản về cơ sở hạ tầng và viện trợ trong khu vực, Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai do Ấn Độ dẫn đầu và Liên minh năng lượng Mặt Trời quốc tế và khía cạnh cơ sở hạ tầng của Nhóm QUAD có nhiều điểm trùng lặp với các trụ cột IPEF.

Các khía cạnh khác của QUAD cũng vậy, đặc biệt là về khí hậu, an ninh mạng và các công nghệ quan trọng và mới nổi. Trụ cột cơ sở hạ tầng của IPEF cũng có thể hội tụ với Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII) được công bố trong Hội nghị thượng đỉnh G7 gần đây ở Đức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục