Iraq: Bộ trưởng Điện lực bị cách chức vì để mất điện thường xuyên

Thủ tướng Iraq Haider Abadi ngày 29/7 đã cách chức Bộ trưởng Điện lực nước này sau nhiều tuần xảy ra các cuộc biểu tình phản đối nạn tham nhũng và tình trạng bị mất điện thường xuyên.
Iraq: Bộ trưởng Điện lực bị cách chức vì để mất điện thường xuyên ảnh 1Người dân biểu tình phản đối dịch vụ công yếu kém tại thủ đô Baghdad của Iraq ngày 20/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Iraq Haider Abadi ngày 29/7 đã cách chức Bộ trưởng Điện lực nước này sau nhiều tuần xảy ra các cuộc biểu tình phản đối nạn tham nhũng và tình trạng bị mất điện thường xuyên.

Một tuyên bố của Văn phòng thủ tướng Iraq cho biết ông Abadi đã sa thải Bộ trưởng Điện lực Qassem al-Fahdawi do đã để xảy ra tình trạng "xuống cấp của ngành điện lực."

Cách chức bộ trưởng điện lực là một trong những yêu cầu của người biểu tình tại nhiều thành phố ở Iraq suốt nhiều tuần qua.

Ngày 27/7 vừa qua, hàng nghìn người dân đã đổ xuống các đường phố ở thủ đô Baghdad và nhiều thành phố ở khu vực miền Nam Iraq để phản đối tình trạng thất nghiệp, sự trì trệ trong dịch vụ công, nạn tham nhũng và tình trạng thường xuyên bị mất điện.

Theo các nguồn tin từ giới chức y tế Iraq, số người biểu tình thiệt mạng trong các vụ đụng độ đã lên ít nhất 11 người.

Đa số các nạn nhân thiệt mạng là do trúng đạn từ các đối tượng tấn công chưa được xác định, một người tử vong do bị trúng hơi cay do lực lượng cảnh sát sử dụng để giải tán biểu tình.

Vấn nạn tham nhũng, dịch vụ công yếu kém, tình trạng thất nghiệp cao lên tới 10,8% cùng với giá hàng hóa đắt đỏ là những nguyên nhân chính gây ra làn sóng biểu tình hiện nay tại Iraq, bắt đầu từ tỉnh Basra ngày 8/7, sau đó lan sang các tỉnh và thành phố khác ở miền Nam.

Để xoa dịu sự giận dữ của những người biểu tình, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi Haider al-Abadi vừa mới công bố các kế hoạch nhằm tạo ra 10.000 việc làm mới trong các cơ quan nhà nước.

Người đứng đầu chính phủ Iraq cũng đã chỉ thị cho các cơ quan liên qua tìm kiếm những giải pháp khẩn cấp để giải quyết vấn đề thiếu điện và nước sạch cho người dân.

[Iraq: Đại giáo chủ Ali al-Sistani kêu gọi thành lập chính phủ mới]

Theo một số nguồn tin, ông Abadi cũng đã cam kết dành khoản ngân sách trị giá 3 tỷ USD cho tỉnh Basra để cải thiện các dịch vụ công. Ngoài ra, tư lệnh cảnh sát Najaf cũng vừa bị cách chức cùng với ban lãnh đạo sân bay quốc tế Najaf, vốn thường xuyên bị cáo buộc dính líu tới tham nhũng.

Thực tế, quốc gia Trung Đông này đang lâm vào cảnh “túng thiếu” và rất khó khăn về tài chính do nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm, trong khi phải gánh chịu nhiều chi phí cho các cuộc giao tranh, xung đột triền miên.

Do ngân sách hạn hẹp, chính quyền Baghdad không thể thực hiện đầy đủ các kế hoạch phát triển cả ở cấp độ quốc gia lẫn địa phương và hiện đang phải “giật gấu, vá vai” để cung cấp những dịch vụ công cộng cơ bản, trong đó có điện và nước sạch cho người dân.

Đây được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các cuộc biểu tình ở nước này trong những ngày qua.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng di dân vẫn đang tiếp tục diễn ra ở các khu vực thuộc miền Tây, miền Trung và miền Bắc nước này, nơi các chiến dịch chống khủng bố vẫn đang được tiến hành kể từ năm 2014.

Còn các khu vực phía Đông và phía Nam Iraq, nơi tập trung chủ yếu là người Hồi giáo dòng Shiite, dường như đang phải đối mặt với một thách thức hoàn toàn khác, đó là việc phát hiện thấy sự trì trệ và yếu kém trong quản lý của chính quyền địa phương.

Theo giới quan sát, làn sóng biểu tình ở nhiều địa phương ở Iraq là những diễn biến hết sức nguy hiểm.

Nếu các nhà chức trách nước này không có biện pháp xử lý kịp thời và giải quyết triệt để những vấn đề xã hội “nhức nhối” hiện nay, và các phe nhóm chính trị không gạt bỏ được bất đồng cũng như toan tính riêng để sớm thành lập chính phủ mới, quốc gia Trung Đông này có nguy cơ đối mặt với một “Mùa xuân Arab” mới như đã từng xảy ra cách đây 7 năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục