JICA hỗ trợ Việt Nam giảm phát thải các loại khí lạnh nhân tạo

Việc áp dụng các công nghệ thích hợp để thu hồi và tiêu hủy khí fluorocarbon của các chuyên gia JICA Nhật Bản sẽ giúp ích cho các công ty Việt Nam giảm phát thải các loại khí làm lạnh nhân tạo.
Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm quản lý khí fluorocarbon" diễn ra sáng 28/4, tại Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm quản lý khí fluorocarbon" diễn ra sáng 28/4, tại Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm quản lý khí fluorocarbon (các loại khí làm lạnh nhân tạo gây hiệu ứng nhà kính)” diễn ra sáng 28/4, tại Hà Nội, ông Murooka Naomichi, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam nhấn mạnh công tác phân tích kỹ thuật về quản lý khí fluorocarbon hiện nay của các chuyên gia JICA Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam xây dựng các quy chế cụ thể để kiểm soát việc sử dụng và phát thải loại khí này.

"Cùng với Sáng kiến quản lý vòng đời các chất Fluorocarbon của Chính phủ Nhật Bản mà Việt Nam đã đồng ý tham gia vào tháng 10/2020, chúng tôi hy vọng rằng kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc áp dụng các công nghệ thích hợp để thu hồi và tiêu hủy khí fluorocarbon sẽ giúp ích cho các công ty Việt Nam khi Chính phủ triển khai các biện pháp quản lý khí fluorocarbon nghiêm ngặt,” ông Murooka Naomichi nhấn mạnh.

[Chủ tịch nước tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu]

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, tiến sĩ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu đánh giá cao sự hỗ trợ của JICA và cho biết Điều 92 của Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định trách nhiệm và yêu cầu chính đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường với tư cách là cơ quan đầu mối. Luật cũng nêu rõ các bộ, ngành liên quan cần có các hành động cụ thể để loại bỏ dần các chất làm suy giảm tầng ôzôn và giảm dần khí HFC (chất trợ nở hydrofluorocarbon).

Chính vì thế, ông Cường khẳng định việc học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản và các nước khác (như Nhật Bản, Australia, Singapore và Malaysia) sẽ giúp Việt Nam đưa ra các biện pháp kiểm soát khí HFC hiệu quả và đặc biệt là khuyến khích khu vực tư nhân chuyển sang sử dụng nhiều hơn các công nghệ thân thiện với môi trường.

Ông Cường cũng cho biết với các nội dung cải tiến của Chương Ứng phó với Biến đổi Khí hậu trong Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2020, Việt Nam tái khẳng định cam kết tham gia các nỗ lực toàn cầu về chống biến đổi khí hậu. Hiện Việt Nam đã và đang thực hiện các bước để dần loại bỏ tất cả các chất làm suy giảm tầng ozone và lập kế hoạch bắt đầu giảm khí fluorocarbon từ năm 2024.

Bà Nguyễn Đặng Thu Cúc, điều phối viên ozone quốc gia, Cục Biến đổi Khí hậu cho biết Việt Nam là một trong những nước sớm gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone từ tháng 1/1994.

Theo quy định của Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn một số chất làm suy giảm tầng ozone như CFC (Chlorofluorocarbon), Halon (hóa chất sử dụng trong dập cháy); kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu Methyl Bromide (hóa chất khử trùng) và thực hiện loại trừ theo lộ trình các chất HCFC (các môi chất làm lạnh được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực: Sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí ô tô, dập cháy, dược phẩm).

Với lộ trình đã được thông qua, Việt Nam sẽ ngưng tiêu thụ các chất HFC từ năm 2024 ở mức cơ sở và loại trừ dần các chất HFC, đến năm 2045 lượng tiêu thụ các chất HFC sẽ giảm 80% so với lượng tiêu thụ cơ sở.

Trước đó, ngày 4/9/2019, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP chính thức phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali (thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone). Hiện HCFC đang loại bỏ dần 35% lượng tiêu thụ cơ bản kể từ năm 2020 và được quản lý thông qua hệ thống cấp phép.

Theo thống kê, năm 2019, lượng tiêu thụ HFC của Việt Nam đạt 3.772,621 tấn trong khi xuất khẩu HFC là 33,69 tấn. Lượng tiêu thụ các chất HFC của Việt Nam năm 2020 đạt  hơn 6.000 tấn các loại khí chính: R410A, R134a, R404A, R407C, R32...; tăng đáng kể so với các năm trước đó. HFCs (sử dụng trong thiết bị làm lạnh) đã được đưa vào thị trường Việt Nam như một lựa chọn thay thế cho nhiều ứng dụng như điều hòa không khí thương mại, công nghiệp.

Tại hội thảo, các chuyên gia nước ngoài cũng đề xuất các giải pháp thực hiện như: Việt Nam cần hoàn thiện văn bản pháp lý và chính sách cụ thể về quản lý các chất HCFC/HFC; tăng cường trang thiết bị cho việc quản lý, thu hồi, tái chế và tiêu hủy môi chất lạnh; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường qua quản lý môi chất lạnh bằng các chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn, bổ sung.

Cùng với đó, Việt Nam cần phải thành lập một tổ chức hoặc một bộ phận có đủ trình độ chuyên môn cũng như nguồn lực tài chính hỗ trợ bền vững để quản lý các đơn vị sử dụng fluorocarbon./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục