Jordan và Israel vẫn căng thẳng xung quanh vụ nổ súng ở đại sứ quán

Jordan đã yêu cầu Israel hoãn kế hoạch đưa phái bộ ngoại giao trở lại thủ đô Amman sau vụ nhân viên bảo vệ Đại sứ quán Israel nổ súng bắn chết hai công dân Jordan hồi cuối tháng trước.
Jordan và Israel vẫn căng thẳng xung quanh vụ nổ súng ở đại sứ quán ảnh 1Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chào đón nhân viên bảo vệ Đại sứ quán Israel ở Amman. (Nguồn: timesofisrael.com)

Jordan đã yêu cầu Israel hoãn kế hoạch đưa phái bộ ngoại giao trở lại thủ đô Amman sau vụ nhân viên bảo vệ Đại sứ quán Israel nổ súng bắn chết hai công dân Jordan hồi cuối tháng trước, khiến quan hệ giữa hai nước xấu đi.

Phát biểu với báo giới ngày 13/8, một quan chức Chính phủ Jordan cho biết nước này yêu cầu Israel không lập tức triển khai các nhân viên và quan chức ngoại giao trở lại Amman, đồng thời hối thúc Tel Aviv điều tra và đưa ra xét xử viên cảnh vệ nói trên.

Theo quan chức trên, đề nghị của Jordan là nhằm bày tỏ phản đối việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chào đón nhân viên bảo vệ Đại sứ quán Israel ở Amman khi người này trở về Tel Aviv.

Trước đó, ngày 28/7 vừa qua, giới chức Jordan cho biết nước này sẽ không cho phép Đại sứ Israel Einat Shlein cũng như những nhân viên khác của đại sứ quán trở lại Amman cho đến khi vụ việc trên được điều tra một cách thỏa đáng.


[Israel điều tra việc bảo vệ sứ quán bắn chết hai người Jordan]

Quốc vương Jordan Abdullah II đã hối thúc Thủ tướng Netanyahu đưa ra xét xử nhân viên bảo vệ, song nhà lãnh đạo Israel ám chỉ không chấp nhận điều này.

Ngày 23/7, nhân viên bảo vệ Đại sứ quán Israel đã nổ súng bắn chết hai người Jordan, trong đó có một nam giới lao đến đâm anh ta bằng một chiếc tuavít. Phía Jordan kiên quyết đòi tiến hành thẩm vấn nhân viên bảo vệ Đại sứ quán Israel nói trên, dù người này được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao và đã về nước cùng nhiều nhân viên và quan chức ngoại giao.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực đang leo thang sau khi Israel áp đặt các biện pháp an ninh mới tại quần thể Haram al-Sharif nhạy cảm ở Jerusalem, nơi có đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa. Các biện pháp này hiện đã được dỡ bỏ.

Jordan là nước quản lý chính thức khu đền Hồi giáo này. Jordan và Ai Cập là hai chính phủ Arab duy nhất ký hiệp định hòa bình với Israel và thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tel Aviv./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục