Khai báo y tế: Cần lắm ý thức trách nhiệm, sự trung thực của cộng đồng

Khai báo y tế: Cần lắm ý thức trách nhiệm cộng đồng

Với việc khai báo y tế trung thực, các dữ liệu thông tin của người dân sẽ được truy vết dễ dàng khi có ca nhiễm COVID19 để từ đó giúp khoanh vùng và phòng chống dịch bệnh tốt hơn.
Hành khách khai báo y tế tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Hành khách khai báo y tế tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Để dập dịch thành công thì một trong những khâu quan trọng nhất, đó là truy vết thần tốc. Khai báo y tế chính là "chỉ dấu" quan trọng để các cơ quan chức năng lần tìm theo con đường mà virus SARS-CoV-2 có thể lây lan để từ đó khoanh vùng và "triệt tiêu" ổ dịch.

Thế nhưng, điều này cũng đòi hỏi người dân phải nêu cao ý thức của mình trong việc khai báo y tế mỗi khi di chuyển, tránh tình trạng "khai cho có" hoặc thậm chí trốn khai báo...

Cơ sở dữ liệu để truy vết nhanh, chính xác

Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương, việc khai báo y tế khi đi máy bay hay vận chuyển bằng các phương tiện vận tải công cộng khác như ôtô, xe buýt, tàu hỏa... là một yêu cầu bắt buộc với tất cả các hành khách. Các dữ liệu thông tin cá nhân của hành khách sẽ giúp cơ quan chức năng giám sát và truy vết nhanh chóng nếu trong trường hợp có ca nhiễm COVID-19.

Theo quy định đối với ngành vận tải, hiện có 4 cách khai báo y tế phổ biến gồm: Khai báo qua website tokhaiyte.vn, khai báo bằng ứng dụng Vietnam Health Declaration, khai báo qua ứng dụng NCOVI và khai báo trực tiếp tại sân bay, nhà ga.

Đại diện các hãng hàng không cho biết theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải, hành khách phải thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế trước khi lên máy bay. Mọi thông tin cung cấp phải đảm bảo chính xác, trung thực, tránh trường hợp sai sót, có thể dẫn đến chậm trễ hành trình.

“Thực hiện quyết liệt theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải trong công tác phòng chống dịch, những trường hợp khách không khai báo y tế sẽ bị từ chối vận chuyển. Ở khu vực sân bay và trên máy bay, hành khách không đeo khẩu trang sẽ bị xử phạt theo đúng quy định,” đại diện Vietnam Airlines cho hay.

[Khẩn trương truy vết, khoanh vùng để ứng phó với dịch COVID-19]

Theo đại diện Vietnam Airines, dữ liệu cá nhân của người khai báo sẽ được cung cấp cho cơ quan phòng chống dịch để truy vết những đối tượng tiếp xúc gần. Nếu trên chuyến bay nào đó có trường hợp mắc COVID-19, từ những dữ liệu được người đi trên chuyến bay khai báo sẽ được gửi tới cơ quan phòng chống dịch để thực hiện truy vết, xác minh những người có liên quan từ đó khoanh vùng và dập dịch hiệu quả.

Tương tự, để phòng chống dịch COVID-19, các đơn vị bến xe và doanh nghiệp vận tải đã quán triệt thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt, chủ phương tiện phải cam kết chịu trách nhiệm đảm bảo phòng chống dịch; kiểm tra, giám sát và cung cấp đầy đủ thông tin hành khách cho bến xe khi xe chuẩn bị xuất và đến bến (lưu trữ tối thiểu 21 ngày); chịu trách nhiệm trước việc cung cấp thông tin phòng chống dịch cho cơ quan chức năng thực hiện truy vết; thực hiện khai báo y tế.

Đối với đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khuyến cáo, hướng dẫn hành khách khai báo y tế điện tử. Khách đi tàu đều áp dụng việc kê khai số điện thoại, số chứng minh nhân dân khi mua vé nên dữ liệu về khách khá đầy đủ, khi cần sẽ dễ dàng truy xuất.

Đủ quy trình, nhiều quy định thôi chưa đủ

Rõ ràng, quy trình và quy định đã có, tuy nhiên qua việc nhiều ca bệnh khi phát hiện, các cơ quan chức năng vẫn phải phát đi các thông báo “tìm người” hay vất vả trong việc truy vết, gây khó khăn cho việc khoanh vùng, tìm nguồn lây cho thấy ý thức trách nhiệm của cộng đồng vẫn là quan trọng nhất. Nếu người dân và cơ quan chức năng không thực sự nghiêm túc thực hiện hoặc lơ là thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn tiềm ẩn vô cùng nguy hiểm.

Đại diện các hãng hàng không cũng thừa nhận trong trường hợp hành khách khai báo gian dối khi thực hiện các quy trình thủ tục khai báo, nhân viên hãng cũng không thể kiểm soát được thông tin hành khách khai đúng hay sai mà vẫn trông chờ vào sự tự giác, ý thức của “thượng đế” đi máy bay.

“Có một số trường hợp cơ quan phòng chống dịch đã phải thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để tìm hành khách đi trên chuyến bay do có người dương tính với COVID-19, bởi vẫn có khả năng là không có thông tin hành khách hoặc khai báo hộ hay không đúng số…. Tình trạng hành khách khai báo y tế sai thông tin sẽ rất khó kiểm soát tình trạng sức khỏe của hành khách cũng như đảm bảo việc kiểm soát sức khỏe cộng đồng,” đại diện một hãng bay nhấn mạnh.

Thế nhưng, thực tế cho thấy còn tình trạng nhiều nhân viên của các hãng hàng không chưa thực sự nghiêm túc với công việc của mình. Đơn cử, vẫn có trường hợp để "lọt" những hành khách chưa khai báo khi chỉ hỏi qua loa cho có rồi cộp dấu vào thẻ lên tàu bay mà không kiểm tra tờ khai y tế của hành khách...

[Cục Hàng không: Hành khách không khai báo y tế sẽ bị từ chối bay]

Về vấn đề này, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết trường hợp để hành khách chưa khai báo y tế theo quy định lên tàu bay, các hãng hàng không phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Khai báo y tế: Cần lắm ý thức trách nhiệm cộng đồng ảnh 1Khu vực khai báo y tế đối với bệnh nhân và người nhà khi đến bệnh viện. Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, hiện thông tin tờ khai y tế sẽ được đổ về trung tâm dữ liệu được đặt tại Cục Công nghệ thông tin của Bộ Y tế để phục vụ cho công tác phòng chống dịch, truy vết COVID-19. Những thông tin khai báo y tế đó sẽ được chuyển cho đầu mối là Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành phố để truy vết COVID-19, xác minh những người có liên quan khi cần…

“Trong trường hợp khi có ca nghi hoặc ca mắc COVID-19, cơ quan chức năng có thể dễ dàng tìm và cách ly hành khách để phòng bệnh, thông qua các thông tin trên tờ khai như số hiệu chuyến bay, số ghế, tên, tuổi, số chứng minh nhân dân… của hành khách. Hiện nay, Bộ Y tế đang hoàn thiện và cải tiến công nghệ thông tin để xử lý dữ liệu gửi về được hiệu quả hơn,” ông Đức nói.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã và đang kết nối liên thông, tích hợp dữ liệu từ các ứng dụng Vietnam Health Declaration, Ncovi, Bluezone phục vụ công tác phân tích, truy vết và dự báo dịch để báo cáo kịp thời Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Trung ương và địa phương.

Ngoài ra, theo ông Đức, việc triển khia khai báo y tế qua mã QR code cũng được khẩn trương áp dụng tại tất cả các địa điểm như ông sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ truyền thống, các cơ sở lưu trú, nhà hàng… nhằm thực hiện kiểm soát y tế đối với khách đến và đi bằng mã QR code.

Không chỉ các bộ, ngành mà các địa phương cũng đã và đang rốt ráo mọi biện pháp để "thần tốc" truy vết, xác định nhanh nguồn lây và khoanh vùng dập dịch. Thế nhưng, trong bối cảnh đó thì ý thức của người dân cũng như sự trung thực, có trách nhiệm trong mỗi thông tin khai báo mới là điều quan trọng nhất. Có như vậy, sự nỗ lực của cả hệ thống mới mang lại hiệu quả như mong muốn và thực sự "không bỏ lại ai phía sau" như khẩu hiệu mà chúng ta vẫn được nghe, được đọc hàng ngày./.

Mới đây, trường hợp ông Nguyễn Văn Thanh, cựu Giám đốc của Hacinco và vợ sau chuyến du lịch Đà Nẵng đã không khai báo y tế trung thực trong lúc dịch COVID-19 đang bùng phát đã dẫn đến hàng loạt địa điểm tại Hà Nội bị phong tỏa liên quan lịch trình đi lại của 2 người này. Ngay sau đó, có nhiều ca nhiễm COVID-19 ở Hà Nội từ chính cặp vợ chồng này.

Hay ngày 17/5, BN4367 tên là M.T.T, giới tính nữ, sinh năm 1983 trú xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La là công nhân phân xưởng 4, công ty TNHH HOSIDEN, Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Bệnh nhân khai báo đi từ Bắc Giang về Sơn La từ đêm 13/5, sáng 14/5 thì đến nhà và đã ra khai báo y tế. Tuy nhiên, bệnh nhân này khai báo đi từ huyện Yên Việt chứ không phải huyện Việt Yên. Bệnh nhân này cũng không khai báo tại khu vực nhà máy nơi làm việc và trọ - nơi có nguy cơ lây nhiễm COVID-19...

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục