[Kiên Giang: Sếu đầu đỏ về lại đồng cỏ Phú Mỹ]
Dự án có tổng vốn đầu tư 500.000 USD do Hội Sếu quốc tế tài trợ và 300 triệu đồng đối ứng của tỉnh Kiên Giang.
Hiệu quả dự án là bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ tự nhiên lớn nhất còn lại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và sếu đầu đỏ (sếu cổ trụi), một loài chim quý hiếm trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới, vì số lượng hiện còn quá ít, khoảng 800-1.100 con.
Ông Hà Trí Cao, Điều phối viên dự án này cho biết: “Dự án đã bảo vệ được 1.200ha đồng cỏ, rừng tràm tự nhiên, phục hồi 60ha và trồng mới 20ha cỏ bàng. Môi trường sinh thái ổn định và bền vững, trở thành nơi cư ngụ quan trọng cho sếu đầu đỏ bay về, từ khoảng 6 con vào năm 2003, đến nay đàn sếu có hơn 237 con, được các tổ chức môi trường thế giới đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, đồng cỏ bàng không những là nguồn nguyên liệu để duy trì, phát triển nghề đan đát truyền thống của địa phương mà còn giúp người dân ở đây cải thiện, nâng cao đời sống, nhất là đồng bào dân tộc Khmer trong vùng dự án chiếm hơn 95%.”
Theo đó, làng nghề đan đát truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Phú Mỹ đã tạo hơn 500 mẫu sản phẩm đẹp, chất lượng giới thiệu cho khách hàng, trong đó có nhiều mẫu mã làm theo yêu cầu của các công ty xuất khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Sản phẩm đan đát từ cỏ bàng như các loại giỏ, khay, thùng, chiếu, đệm, nón, có mặt ở thị trường nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới là Nhật, Hong Kong, Mỹ, Canada, Italy, Australia, Thụy Sĩ, Chile, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan.
Từ hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm này đã tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động địa phương tham gia hoạt động của dự án và nhiều lao động phụ khác. Dự án đã đào tạo trên 500 công nhân thành thạo kỹ thuật đan giỏ xách, nón, may các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, với mức thu nhập 1,8-4 triệu đồng/người/tháng.
Khoảng 300 hộ dân, với gần 1.000 lao động trong vùng dự án nhờ bán nguyên liệu cỏ bàng, cung cấp các sản phẩm dệt tại nhà như: đệm, chiếu… thu nhập 1,5-2 triệu đồng/người/tháng.
Hiệu quả có ý nghĩa lớn nhất của dự án Khai thác bền vững đồng cỏ bàng kết hợp bảo tồn nghề thủ công địa phương tại xã Phú Mỹ là đồng bào dân tộc Khmer ở đây đã được tổ chức thành tổ, nhóm có tay nghề đan đát cao, ý thức kỷ luật tốt.
Thông qua dự án, đồng bào dân tộc Khmer tiếp thu tốt các chủ trương, chính sách và thấy rõ sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc.
Ngoài ra, hiệu quả của dự án là kinh phí đầu tư không nhiều, nhưng cùng lúc kết hợp được việc phát triển kinh tế của người dân với bảo tồn thiên nhiên; gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer, đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới.
Hiện nay, nhiều đoàn khách, các nhà khoa học, doanh nghiệp quan tâm đến môi trường và sinh viên của nhiều trường đại học trên thế giới tìm đến Phú Mỹ để xem sếu đầu đỏ và tham quan làng nghề đan đát truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Đây là cơ sở, điều kiện thuận lợi cho các chương trình phát triển du lịch và tiếp cận nhà đầu tư của tỉnh Kiên Giang và Đồng bằng sông Cửu Long./.