Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, tại Việt Nam, số người khiếm thị cần được phục hồi chức năng thị lực ước khoảng 2 triệu người.
Ngày 3/1, Bệnh viện Mắt Trung ương (Bộ Y tế) đã phối hợp với Tổ chức quốc tế CBM (Tổ chức phát triển quốc tế), Cộng hòa Liên Bang Đức tổ chức hội thảo Chăm sóc mắt và phục hồi chức năng cho người khiếm thị với chủ đề "Khiếm thị không phải là mù - Hãy phục hồi chức năng thị giác cho người khiếm thị ngay khi còn có thể." Theo khái niệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Một người được gọi là khiếm thị khi chức năng thị giác của người đó bị giảm nặng, thậm chí ngay cả khi đã được điều trị và điều chỉnh tật khúc xạ tốt nhất nhưng thị lực ở mắt tốt chỉ ở mức dưới 6/18 (0,33) cho đến còn phân biết sáng tối hoặc thị trường bị thu hẹp dưới 10 độ kể từ điểm định thị. Khác với những người mù, người khiếm thị là người sau khi đã điều trị tốt nhất thì thị lực ở mắt tốt cũng chỉ ở mức dưới 20/60 (tương đương với 3/10, tức là ở mức kém), tuy nhiên họ vẫn còn khả năng để sử dụng và thích nghi với phần thị giác ít ỏi của mình. Theo ước tính của WHO, số người khiếm thị nhiều gấp 3 lần số nguời mù; như vậy tại Việt Nam, số người khiếm thị ước khoảng 2 triệu người. Tiến sỹ, bác sỹ, Nguyễn Thị Thu Hiền, Khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: Khiếm thị có thể do rất nhiều bệnh lý hay những bất bình thường của con mắt gây ra. Một số nguyên nhân thường gặp như: bệnh cận thị cao, sẹo giác mạc, đục thể thủy tinh, bệnh võng mạc sắc tố, bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh thoái hóa hoàng điểm, bệnh glôcôm, bệnh bạch tạng... Tùy thuộc vào mức độ của bệnh có thể gây khiếm thị ở mức độ nhẹ, vừa, nặng và rất nặng. Phục hồi chức năng thị giác cho người khiếm thị bản chất không phải là một phương pháp điều trị để làm thay đổi tình trạng thị giác cho bệnh nhân mà thực chất là dùng các kính trợ thị để cải thiện sức nhìn, hướng dẫn luyện tập cách sử dụng từng loại trợ thị cho từng hoạt động trong cuộc sống và hướng dẫn cho người khiếm thị cách cải thiện môi trường nhìn, cách định hướng di chuyển... để có thể độc lập trong sinh hoạt. Bệnh viện Mắt Trung ương đã thành lập phòng phục hồi chức năng cho người khiếm thị với một số trang thiết bị thiết yếu giúp cho việc khám, đánh giá chức năng thị giác và chỉ định các kính trợ thị cho người khiếm thị đến khám tại bệnh viện; đồng thời, đã và đang hỗ trợ trường Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội trong việc khám khiếm thị tại một số tỉnh thành, mở một số khoá đào tạo cơ bản về khiếm thị cho cán bộ nhãn khoa mở một số tỉnh, thành... Bên cạnh đó, từ yêu cầu thực tiễn, bệnh viện đã phối hợp với Tổ chức quốc tế CBM xây dựng dự án "Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khiếm thị." Dự án được triển khai từ tháng 1/2012 đến năm 2015 với các hoạt động như: hoạt động khám và tư vấn phục hồi chức năng tại trung tâm, đào tạo phục hồi chức năng cho người khiếm thị, triển khai các hoạt động tại cộng đồng, truyền thông đại chúng.... Đây là dự án đầu tiên với mô hình chăm sóc mắt và phục hồi chức năng được thực hiện tại cơ sở nhãn khoa ở Việt Nam dành cho người khiếm thị với những đối tượng gồm: trẻ khiếm thị, người khiếm thị trưởng thành và lớn tuổi, trẻ bị bệnh võng mạc và trẻ đẻ non. Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá về những khó khăn, rào cản trong hoạt động chăm sóc mắt và phục hồi chức năng cho người khiếm thị hiện nay; đồng thời đề ra những giải pháp về chính sách, thực tiễn nhằm thúc đẩy các hoạt động trợ giúp cho người khiếm thị phục hồi chức năng và hoà nhập cộng đồng./.