Khoảng 2.000ha lúa tại tỉnh Thừa Thiên-Huế có nguy cơ bị hạn hán

Hiện nay, dung tích mực nước các hồ thủy lợi đạt hơn 71%, hồ thủy điện đạt 44% so với thiết kế. Nguy cơ hạn hán xảy ra chủ yếu tập trung tại vùng gò đồi, ven biển, cát nội đồng và vùng cao.
Khoảng 2.000ha lúa tại tỉnh Thừa Thiên-Huế có nguy cơ bị hạn hán ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tại Thừa Thiên-Huế, nắng nóng kéo dài trong thời gian qua và dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây nguy cơ khô hạn, thiếu nước nhất là vào thời điểm cuối vụ Hè Thu 2023.

Ngành nông nghiệp tỉnh chủ động triển khai nhiều giải pháp lấy nước đảm bảo cho sản xuất hơn 27.000 ha lúa Hè Thu ngay từ đầu vụ.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Thừa Thiên-Huế, trong tháng 6, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện 2-4 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều ngày liên tiếp trên diện rộng. Hiện nay, dung tích mực nước các hồ thủy lợi đạt hơn 71%, hồ thủy điện đạt 44% so với thiết kế. Nguy cơ hạn hán xảy ra với diện tích khoảng 2.000ha lúa, chủ yếu tập trung tại vùng gò đồi, ven biển, cát nội đồng và vùng cao.

Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước Một thành viên Quản lý-Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên-Huế Dương Đức Hoài Khánh cho biết nếu nắng nóng kéo dài các hồ chứa thủy lợi có nguy cơ cạn kiệt, gây thiếu nước cho vụ sản xuất Hè Thu, nhất là vào thời điểm cuối vụ.

Công ty chủ động phối hợp với các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt là tại huyện vùng cao Nam Đông, A Lưới; rà soát nguồn nước để có kế hoạch phân phối nước hợp lý ngay từ đầu vụ; huy động nguồn lực để duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống kênh mương; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước.

Theo ông Khánh, khó khăn hiện nay thời tiết nắng nóng gay gắt, tốc độ bốc hơi các hồ chứa nhanh nên phải thay đổi quy trình tưới. Nguồn kinh phí, mức giá thủy lợi phí chưa được bố trí, điều chỉnh, nhất là trong việc bố trí kinh phí để sửa chữa, nạo vét hệ thống tại các công trình thủy lợi, kênh mương đã được đầu tư từ lâu nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Qua đó, kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh sớm điều chỉnh giá thủy lợi phí để có kinh phí duy tu bảo dưỡng hằng năm.

Nhằm chủ động nguồn nước tưới trong vụ Hè Thu 2023, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng ưu tiên huy động và bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, phục hồi các công trình thủy lợi.

[Quảng Ngãi: Nguồn nước ngầm trên đảo Lý Sơn ngày càng cạn kiệt]

Ông Đặng Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Vinh - thành phố Huế, cho biết với đặc điểm đồng ruộng manh mún, địa hình bậc thang vào mùa nắng nóng nếu hệ thống kênh mương thủy lợi không được nạo vét, khơi thông sẽ thiếu hụt nguồn nước. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng để xây dựng, nạo vét, khơi thông hệ thống kênh mương và đập thủy lợi đảm bảo nguồn nước cho hơn 335ha lúa Hè Thu trên địa bàn. Ngoài ra, hợp tác xã đã chủ động nạo vét hơn 3 km kênh mương để phục vụ tưới tưới tiêu cho đồng ruộng.

Các địa phương cũng chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm nguồn nước trong cả vụ sản xuất. Đặc biệt, chú trọng bố trí vùng sản xuất cây trồng có khả năng chịu hạn, mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước. Tại huyện miền núi A Lưới, diện tích lúa có khả năng bị ảnh hưởng do thiếu nước khoảng 172 ha, tập trung tại 14 xã, thị trấn trên địa bàn như Đông Sơn, Lâm Đớt, Sơn Thủy, A Roàng...

Theo ông Văn Lập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện A Lưới, để chủ động phòng, chống hạn, địa phương đã tiến hành chuyển đổi 33 ha lúa không đảm bảo nguồn nước sang trồng hoa màu phù hợp.

Ngoài ra, đơn vị đẩy mạnh quản lý phân phối hợp lý, hiệu quả nguồn nước; phổ biến kinh nghiệm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đến người dân; đầu tư sửa chữa các công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp; sử dụng các máy bơm dầu lưu động tận dụng các hồ và suối để chủ động bơm tưới cho lúa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục