“Kiệt tác” về tin tức giả trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Harris đã tự hỏi: Ai có thể là người phát hiện ra những lá phiếu gian lận bầu cho bà Clinton? Vậy là anh ta bịa ra "Randall Prince, một nhân viên kỹ thuật điện làm việc ở vùng Columbus."
“Kiệt tác” về tin tức giả trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ảnh 1Cameron Harris tại văn phòng. (Nguồn: nytimes.com)

Đó là đầu mùa Thu, và Donald J. Trump dường như đang chuẩn bị lý do để phòng trường hợp một người luôn giành chiến thắng như ông lại thua cuộc.

"Tôi e là cuộc bầu cử đã bị gian lận, tôi phải nói thật là như thế," ứng viên đảng Cộng hòa nói với một đám đông sôi sục tại Columbus, Ohio. Ông nói về việc đã nghe được "rất nhiều" bằng chứng về sự gian lận, và để phần còn lại cho những người ủng hộ ông tưởng tượng ra.

Theo tờ The New York Times, vài tuần sau đó, Cameron Harris, một sinh viên mới tốt nghiệp khoa chính trị và kinh tế, người hết sức quan tâm đến hoạt động chính trị của đảng Cộng hòa ở Maryland và cũng đang cần tiền, đã điền nốt những chi tiết ông Trump còn bỏ ngỏ ngay tại căn bếp của mình. Và câu chuyện bịa của Harris đã nhanh chóng trở thành một kiệt tác.

Harris bắt đầu bằng cách đặt tiêu đề: "TIN SỐT DẺO: Hàng chục nghìn lá phiếu gian lận bầu cho bà Clinton được phát hiện ở một nhà kho tại Ohio."

Anh ta nghĩ rằng, sẽ là hợp lý khi để địa điểm của phát hiện gây sốc này là ở chính thành phố và tiểu bang nơi ông Trump đã nhấn mạnh về câu chuyện "gian lận."

"Tôi đã đặt ra giả thuyết khi bắt đầu viết câu chuyện này," Harris nhớ lại. "Dựa vào việc những người ủng hộ ông Trump không tin lời của giới truyền thông, bất cứ điều gì nhại lại quan điểm của ông Trump đều sẽ thu hút mọi người. Ông Trump liên tục nói rằng 'cuộc bầu cử có sự gian lận.' Mọi người vì thế được định hướng rằng Hillary Clinton sẽ không thể thắng trừ phi gian lận."

Khi một phóng viên phát hiện ra một đầu mối cho thấy Harris là người bí mật viết bài cho trang ChristianTimesNewspaper.com - trang web chuyên đăng những bản tin giả, Harris tỏ ra cảnh giác và không muốn bị lật mặt.

"Chủ đề này là khá nhạy cảm," Harris nói, và cho biết anh ta đang chuẩn bị mở một công ty tư vấn chính trị và cần phải bảo vệ danh tiếng của mình.

Nhưng cuối cùng, Harris cũng đồng ý kể lại câu chuyện gia nhập thế giới tin tức giả của mình, một công việc bán thời gian giúp anh ta thu về 1.000 USD mỗi giờ từ doanh thu quảng cáo trên trang web. Harris tỏ ra vừa cảm thấy tội lỗi, lại vừa tự hào vì đã lan truyền được một tin tức giả khéo léo như vậy.

Trong căn bếp tại nhà đêm tháng Chín đó, Harris đã tự hỏi: Ai có thể là người phát hiện ra những lá phiếu gian lận bầu cho bà Clinton? Vậy là anh ta bịa ra "Randall Prince, một nhân viên kỹ thuật điện làm việc ở vùng Columbus."

Harris quyết định người đàn ông có thể là bất kỳ ai và ủng hộ ông Trump này đã bước vào một căn phòng ít được dùng đến trong một nhà kho và phát hiện những hộp đựng phiếu bầu được đánh dấu bầu sẵn cho bà Clinton.

"Chẳng có ai thực sự đi vào trong đó. Nó chủ yếu được một thợ ống nước dùng làm nhà kho tạm thời," Prince nói.

Đề phòng ai đó quên mất tính nghiêm trọng của phát hiện này, Harris nhấn mạnh: "Thứ anh ta tìm thấy có thể được xem là bằng chứng của một âm mưu lớn nhằm giúp bà Clinton chiến thắng ở bang dao động quan trọng này."

Harris cho rằng một bức ảnh sẽ giúp xóa tan những nghi ngờ. Chỉ cần một chút thời gian tìm kiếm theo từ khóa "hòm phiếu" trên Google, anh ta đã tìm thấy bức ảnh một người đàn ông hói đầu đứng đằng sau những chiếc hộp nhựa màu đen có sẵn dòng chữ "hòm phiếu."

Đó là một bức ảnh của tờ Birmingham Mail về một cuộc bầu cử ở Anh - tức là cách Columbus tới 3.700 dặm. Trong phần chú thích, người đàn ông hói đầu đã có một cái tên khác: "Anh Prince chụp ảnh với phát hiện của mình, trong khi cuộc điều tra gian lận đang được tiến hành."

Bản tin này giải thích rằng "mục tiêu chiến dịch vận động của bà Clinton là tráo những hòm phiếu giả này với hòm phiếu thật khi chúng được gửi tới ban kiểm phiếu vào ngày 8/11."

Sau đó, Harris thêm một câu giật gân nữa: "Sự việc vẫn đang được điều tra, và CTN sẽ mang đến cho các bạn những thông tin mới nhất."

Bằng một cú nhấn chuột, câu chuyện này đã được đăng tải lên mạng vào ngày 30/9 và càn quét khắp Internet như một ngôi sao chổi. "Ngay từ trước khi đăng bài, tôi đã biết là nó sẽ làm nên chuyện," Harris nhớ lại.

Và anh ta đã đúng. Câu chuyện về hòm phiếu giả, được tuyên truyền trên 6 trang Facebook mà Harris lập ra vì mục đích này đã lan truyền khắp Internet, và trở nên sôi sục cùng những bình luận đầy căm phẫn từ những người tin rằng bà Clinton sẽ gian lận để thắng ông Trump và vui mừng vì có được bằng chứng này.

Theo CrowdTangle, công ty theo dõi lượt người truy cập các trang web, câu chuyện bịa này đã được chia sẻ với 6 triệu người.

Một ngày sau đó, ủy ban bầu cử của hạt Franklin, Ohio cho biết họ đang tiến hành điều tra và rằng những khẳng định gian lận này có vẻ là dối trá. Vài ngày sau, thư ký nghị viện Ohio Jon Husted đã đăng thông báo phủ nhận câu chuyện này.

"Bản thân là một người theo đạo Thiên Chúa, tôi thấy cực kỳ phản cảm khi đọc được những lời dối trá như vậy từ một trang web lấy tên của Chúa," ông Husted cho biết.

“Kiệt tác” về tin tức giả trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ảnh 2Trang tin chuyên đưa tin tức giả. (Nguồn: nytimes.com)

Harris thừa nhận hành động của mình không có tính chất Thiên Chúa giáo nào - anh ta chỉ mua lại địa chỉ trang web bị bỏ không này với giá 5 USD trên trang ExpiredDomains.net.

Chỉ trong vài ngày, câu chuyện mà Harris chỉ mất 15 phút bịa ra đã kiếm được cho anh ta khoảng 5.000 USD. Đó là một phần trong số 22.000 USD mà Harris kiếm được trong cuộc bầu từ từ những quảng cáo giày dép, keo vuốt tóc và thiết kế web mà Google đưa lên trang web của anh ta.

Và Harris chỉ dành ra khoảng nửa tiếng mỗi tuần cho trang web tin tức giả này.

Tiền, chứ không phải chính trị, mới là điều Harris quan tâm nhất. Là cử nhân vừa tốt nghiệp trường cao đẳng Davidson ở Bắc Carolina hồi tháng 5, Harris cần tiền để trang trải cuộc sống. "Tôi đã dành tiền đó trả tiền vay đi học, mua xe và thuê nhà," Harris cho biết.

Tại thời điểm tung ra tin tức giả về gian lận phiếu bầu, Harris đã đạt được một thành công nho nhỏ với tin "Hillary Clinton đổ lỗi cho phân biệt chủng tộc trước cái chết của chú khỉ đột ở Cincinnati," gợi nhớ đến câu chuyện buồn về Harambe, chú khỉ đột bị bắn chết sau khi chơi với một cậu bé trong vườn thú.

Một "tác phẩm" tin giả nữa của Harris là "Vụ nổ lúc sáng sớm ở DC lại khiến một nhân viên Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ thiệt mạng", nêu ra những thuyết âm mưu về cái chết của một nhân viên ủy ban này.

Sau đó, Harris tiếp tục nói với những độc giả nhẹ dạ rằng "Cảnh sát New York đang tìm cách đưa mối quan hệ của ông Bill Clinton với đường dây tình dục tuổi vị thành niên lên mặt báo", hay "Người biểu tình đánh chết cựu binh vô gia cư ở Philadelphia,” hoặc "Hillary Clinton nộp đơn xin ly hôn ở tòa án New York."

Tám câu chuyện của Harris đã bị trang Snopes.com bóc trần, nhưng không câu chuyện nào trong số này qua mặt được tin giả về gian lận phiếu bầu.

Tổng thống Obama cho rằng hiện tượng tin tức giả là một vấn đề đáng được nhắc tới như một mối đe dọa với nền dân chủ trong bài phát biểu tạm biệt của mình ở Chicago tuần trước. "Chúng ta đang ngày càng thu mình lại, và bắt đầu chấp nhận những thông tin phù hợp với quan điểm của mình, bất kể chúng đúng hay sai, thay vì suy nghĩ dựa trên những bằng chứng xác thực."

Đó cũng chính là lý do mà những câu chuyện của Harris lại thành công như vậy: mọi người muốn có bằng chứng, dù không hợp lý đến thế nào, để hỗ trợ niềm tin của họ.

"Lúc đầu tôi thấy hơi sốc trước những phản ứng tôi nhận được. Mọi người tin những câu chuyện đó một cách quá dễ dàng.  Nó giống như một thử nghiệm xã hội vậy," Harris chia sẻ.

Harris cho biết mình có thể đã ủng hộ bà Clinton và bôi nhọ ông Trump nếu chiến thuật này sinh lời. Nhưng thực tế đã chứng minh, những người ủng hộ ông Trump nhiệt thành hơn rất nhiều so với những người ủng hộ bà Clinton.

Hồi cuối tháng 10, sau khi kết thúc đợt kinh doanh ngắn ngủi của mình, Harris đã tìm cách bán lại tên miền trang web mà tại thời điểm đó đã lọt tốp 20.000 trang web hàng đầu. Một nhà thẩm định giá cho biết với lượng người truy cập này, anh ta có thể bán lại trang web với giá từ 115.000 đến 125.000 USD.

Tuy nhiên Harris đã phạm phải một sai lầm: Anh ta quyết định chờ. Sau cuộc bầu cử, nhằm chứng tỏ mình không làm lợi cho tin tức giả, Google tuyên bố sẽ không cho hiện quảng cáo trên các trang web đưa tin giả mạo nữa.

Vài ngày sau, khi kiểm tra trang web, Harris phát hiện tất cả các mẩu quảng cáo đã biến mất. Nhà thẩm định giá nói với anh ta rằng bây giờ tên miền trang web này đã chẳng còn giá trị gì nữa.

Tuy nhiên Harris chưa mất tất cả. Anh ta đã đăng một lời kêu gọi mọi người tham gia "Chấm dứt sự cướp đoạt" để tìm hiểu "bà Hillary sẽ chiến thắng cuộc bầu cử như thế nào và các bạn có thể làm gì để ngăn chuyện này." và đã thu được 24.000 địa chỉ email. Harris vẫn chưa quyết định sẽ làm gì với số email này.

Khi được hỏi có cảm thấy tội lỗi vì đã lan truyền những lời bịa đặt về ứng viên tổng thống không, Harris tỏ ra ăn năn. Nhưng anh ta cũng thanh minh rằng bản chất của chính trị là sự phóng đại, những sự thật chỉ đúng một nửa, vì thế những gì anh ta làm cũng không phải là quá đáng.

"Gần như chẳng có lời nào mà ứng viên nói trong chiến dịch bầu cử của họ là thật", Harris chia sẻ.

Anh ta cũng dẫn chứng lời của ông Trump rằng chính các hãng tin chính thống cũng là những nguồn cung tin tức giả thường xuyên.

Tuần trước, khi BuzzFeed công bố một hồ sơ "chấn động nhưng chưa được kiểm chứng" về việc Nga đã lên kế hoạch hối lộ và tống tiền ông Trump, Harris đã viết lên Twitter như sau: "Chấn động nhưng chưa được kiểm chứng" - câu này có thể mô tả mọi tiêu đề tin tức giả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục