Kịp thời đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa cho người dân vùng dịch

Ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh đã kịp thời kích hoạt kế hoạch đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân trong bối cảnh vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất.
Kịp thời đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa cho người dân vùng dịch ảnh 1Kênh phân phối hiện đại Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ tiêu thụ phong phú nông sản đặc sản cho nhiều địa phương. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ngày 31/5, tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã ổn định với nguồn cung dồi dào và nhiều ngành hàng được kinh doanh theo giá bình ổn thị trường.

Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng hàng hóa thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh đã kịp thời kích hoạt kế hoạch đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân trong bối cảnh vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất.

Kết nối cung-cầu

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm, gồm: Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn nhập khoảng 8.000 tấn rau củ, quả mỗi ngày.

Nguồn hàng này đáp ứng hơn 70% nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh; còn lại 30% thị phần trên thị trường được cung ứng bởi hệ thống đại siêu thị, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên ngành...

Ngoài ra, tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm này, cũng cung ứng bình quân 700 tấn thịt lợn; 250.000 con gia cầm; 800-900 tấn thủy-hải sản... trong mỗi ngày.

[Nhà bán lẻ kích hoạt giải pháp ổn định kinh doanh thời dịch]

Với bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chủ động phối hợp với tỉnh, thành phố trong Chương trình kết nối cung-cầu và bình ổn thị trường.

Thông qua đó, ngành công thương khu vực phía Nam sẽ chung tay đẩy mạnh kênh bán hàng online để vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vừa đạt mục tiêu bình ổn thị trường để người dân an tâm lao động, sản xuất...

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng phương án sẵn sàng cung ứng hàng hóa thiết yếu, hàng hóa bình ổn thị trường... để ứng phó với diễn biến của dịch COVID-19 và đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tăng cường biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương.

Đồng thời, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh, cùng nhà bán lẻ, thương lái... đang tích cực tham gia thu mua, tiêu thụ nông sản địa phương theo hướng dẫn của ngành, nhất là tại những vùng có dịch COVID-19.

Ghi nhận tại mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, gồm: Bến Thành, Tân Định, Bà Chiểu, Nguyễn Văn Trỗi... thương nhân, tiểu thương vẫn duy trì hoạt động bán buôn và thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định Bộ Y tế, chính quyền thành phố.

Tuy nhiên, hiện sức mua ở nhiều ngành hàng ảm đạm nên đơn vị kinh doanh có xu hướng giảm quy mô kinh doanh và cắt giảm nhân công để thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Ngược lại, những ngành hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định và bổ sung nguồn cung phù hợp với diễn biến thị trường.

Đặc biệt, các đơn vị kinh doanh tại những khu vực thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm ngặt quy định của chính quyền địa phương; trong đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, lương thực thực phẩm, điện nước... hoạt động bình thường.

Điển hình tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh - nơi có khu vực thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, là một trong những quận đông dân cư của thành phố, với gần 700.000 dân. Vì vậy, những hoạt động thương mại, kinh doanh và cung ứng hàng hóa thiết yếu được ngành công thương, nhà bán lẻ, ban quản lý các chợ truyền thống... phối hợp cùng chính quyền địa phương đảm bảo nguồn cung đầy đủ để người dân an tâm.

Bình ổn kênh bán lẻ

Khảo sát tại kênh bán lẻ, phân phối hiện đại, tính đến thời điểm này, hầu hết các nhà bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã kịp thời cơ cấu hoạt động kinh doanh phù hợp với giãn cách xã hội và sẵn sàng ứng phó dịch COVID-19; trong đó, một số nhà bán lẻ cũng sẵn sàng kéo dài thêm khung giờ bán buôn để đáp ứng nhu cầu mau sắm của người dân, nên khuyến khích hàng hàng tuân thủ quy định phòng chống dịch COVID-19 khi mua sắm tại điểm bán.

Kịp thời đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa cho người dân vùng dịch ảnh 2Ngành hàng thực phẩm đông lạnh, sơ chế được bổ sung đầy ấp tại quầy siêu thị Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Cụ thể, ở siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, hàng hóa thiết yếu được đưa lên kệ đầy áp, nhất là những ngành hàng đang có sức mua tăng cao như thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm; rau củ, quả; lương thực-thực phẩm các loại...; trong đó, lượng khách vẫn duy trì ở tăng đột biến trong giờ cao điểm mua sắm buổi sáng, nhưng hàng hóa thiết yếu đã liên tục được bổ sung nên không còn hiện tượng chấy hàng hay đứt hàng cục bộ.

Tương tự, ở cửa hàng Satrafood Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, lượng khách hàng đến mua sắm, cũng như đơn hàng online vẫn duy trì mức tăng hơn thời điểm trước khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg. Các đơn hàng chủ yếu tập trung vào ngành hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm sơ chế; trái cây, bánh kẹo, sữa, đồ uống...

Theo ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc vận hành VinMart miền Nam, với kinh nghiệm ứng phó biến động thị trường do tác động của dịch COVID-19 trong thời gian qua, hầu như nhà bán lẻ nào cũng triển khai liên kết với nhà cung cấp để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa và sản lượng dự phòng trong thời điểm bùng phát dịch bệnh luôn đủ cho 3 đến 6 tháng.

Cùng đó, nhà bán lẻ, nhà cung cấp... phối hợp chặt chẽ với ngành công thương tại các địa phương để đảm bảo khâu vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu luôn được khơi thông trên thị trường.

Còn đại diện LOTTE Mart cho hay, đơn vị không ngừng nỗ lực đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm bằng nhiều hình thức như mua hàng offline, online, đặt hàng qua điện thoại...

Với những khách hàng mua hàng offline, tất cả điểm bán của LOTTE Mart đề phát loa thông tin biện pháp phòng chống dịch COVID-19; nhắc nhở người dân thực hiện mua sắm an toàn...

Ở góc độ người dân Thành phố Hồ Chí Minh, chị Minh Hoa, cư ngụ tại quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng vào thời điểm này, người tiêu dùng nên đa dạng kênh mua sắm theo ngành hàng hoặc nhóm sản phẩm thiết yếu và đừng lo lắng về nguồn cung hàng hóa dẫn đến gom tích trữ không cần thiết. Hơn thế nữa, người tiêu dùng nên cẩn trọng lựa chọn thương hiệu bán lẻ, địa điểm kinh doanh uy tín để tránh tình trạng mua sắm phải hàng hóa kém chất lượng, dịch vụ hỗ trợ không tiện ích...

Chị Minh Hoa dẫn chứng cụ thể, thực hiện phòng chống dịch COVID-19, giãn cách xã hội, thì nhiều gia đình ưu tiên mua sắm online, nhưng đối với nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau củ, quả... rất khó kiểm tra chất lượng sản phẩm với phương thức mua sắm này.

Trong khi đó, nếu đơn hàng phát sinh sản phẩm kém chất lượng, không đúng thông tin như niêm yết... mà nhà bán lẻ không hỗ trợ đổi trả thì người tiêu dùng bị ảnh hưởng quyền lợi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục