Nghi vấn 'đường lưỡi bò' trong phim truyền hình phát trên Netflix

Đây không phải lần đầu tiên các phim truyền hình dài tập, được phát trên nền tảng này, có xuất hiện nghi vấn hình ảnh "đường lưỡi bò."
Nghi vấn 'đường lưỡi bò' trong phim truyền hình phát trên Netflix ảnh 1Bản đồ bị nghi vấn có đường chín đoạn phi pháp chỉ vài phút sau intro, tập 30, phim ''Flight to you'' của Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình)

Phim truyền hình dài tập "Flight to you" (tựa Việt: Hướng gió mà đi) của Trung Quốc đang được chú ý vì nghi có "đường lưỡi bò" trong tập thứ 30.

Bản đồ được cho là có đường chín đoạn phi pháp này xuất hiện trong những phút đầu tiên sau intro (giới thiệu mở màn), có thể thấy khá rõ trên màn hình ghế hành khách.

Bối cảnh phim là các nhân vật đang trên một chuyến bay đang từ Quảng Châu (Trung Quốc) đến Singapore thì gặp sự cố, cần chuyển hướng tới một sân bay hư cấu tên Sigorn. Theo hình ảnh, sân bay này được đặt ở khu vực miền Trung Việt Nam. Tên Việt Nam và một số quốc gia khác cũng không xuất hiện trên bản đồ.

Ghi nhận trong sáng 8/7, phim "Flight to you" vẫn đang được chiếu trên nhiều nền tảng. Trong số đó có một số nền tảng trong nước như FPT Play đang chiếu và đã cắt đoạn gây tranh cãi, nền tảng TV 360 từng chiếu nhưng hiện không còn tìm được phim. Ngoài ra hình ảnh này còn được chiếu rất rõ ở một số trang chiếu lậu.

Nghi vấn 'đường lưỡi bò' trong phim truyền hình phát trên Netflix ảnh 2Phim chiếu trên Netflix có thể thấy những nét đứt trên bản đồ giống như đường chín đoạn phi pháp. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Tuy nhiên, trên YouTube và đặc biệt là Netflix đều xuất hiện rõ nét. Nhiều khán giả thất vọng trước nghi vấn này, bởi đây không phải lần đầu tiên các nền tảng chiếu phim trực tuyến nước ngoài để lọt "đường lưỡi bò" hoặc có các thông tin sai lệch về chủ quyền, vấn đề địa lý liên quan.

Một số có thể kể đến các series phim từng gây chú ý như "Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta," "Một đời một kiếp," "Little Women" đều có "đường lưỡi bò"; hay như phim "Bà ngoại trưởng" (Madame Secrectary, dùng hình Hội An nhưng chú thích Phú Lăng, Trung Quốc)....

[Phim ngoại xuyên tạc lịch sử: Cần triệt để ngay từ khi kiểm duyệt]

"Rất nhiều khán giả Việt thích xem phim Trung Quốc nhưng không vì thế mà làm ngơ với chủ quyền. Chúng tôi phản đối kiểu tuyên truyền ngầm và phi lý, để họ lợi dụng như thế này," khán giả H.T 22 tuổi, thường xuyên xem phim truyền hình Trung Quốc trực tuyến chia sẻ.

Việc phim quốc tế, phim Trung Quốc cố tình hoặc bị nghi là cài cắm bản đồ đường lưỡi bò," cũng như vụ việc nghi ban tổ chức Black Pink tại Hà Nội ủng hộ bản đồ phi pháp là vấn đề nóng được quan tâm tại Việt Nam.

Nghi vấn 'đường lưỡi bò' trong phim truyền hình phát trên Netflix ảnh 3Phim ''Barbie'' bản người đóng với nhiều đường nét đứt gây nhiều diễn giải sai lệch, đã bị cấm chiếu ở Việt Nam gần đây gây xôn xao dư luận cả trong và ngoài nước. (Ảnh chụp màn hình)

Sau vụ việc phim "Barbie" bị cấm vì có bản đồ nhiều đoạn nét đứt, dễ gây suy diễn  khiến hội đồng duyệt phim quốc gia đồng thuận cấm chiếu, báo chí nước ngoài liên tục đưa tin khiến cho chính Warner Bros. phải lên tiếng lý giải.

Về Netflix, nền tảng đã nhiều lần mắc các vi phạm hoặc chiếu, phát các thông tin trái với quan điểm của Việt Nam. Gần đây nhất có vụ việc series phim tài liệu "MH370: Chiếc máy bay mất tích" của Malaysia phản ánh không chính xác, cho rằng Việt Nam không hợp tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

[Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ nội dung sai sự thật trong phim về MH370]

Sau khi làm việc với cơ quan chức năng Việt Nam, nền tảng này đã phải gỡ tập 1 chứa nội dung sai sự thật.

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đang liên hệ các nền tảng cũng như cơ quan chức năng để hỏi về phương án xử lý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục