Lãnh đạo Bộ Công Thương: Giá thịt lợn tăng cao do hụt nguồn cung

Theo Bộ Công Thương, một số doanh nghiệp lớn chiếm 35% thị phần và 65% còn lại do các hộ nhỏ lẻ cung cấp, song các hộ này đang gặp nhiều khó khăn nên nguồn cung thịt lợn đã thiếu lại càng thiếu.
Lãnh đạo Bộ Công Thương: Giá thịt lợn tăng cao do hụt nguồn cung ảnh 1Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thông tin tại phiên họp do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 5/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết việc giá thịt lợn tăng cao trong thời gian vừa qua là do thiếu hụt nguồn cung.

Theo ông Hải, dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng rất lớn đến tổng đàn lợn trên toàn quốc, kể cả sau này khi cơ bản kiểm soát được dịch.

Đáng chú ý, hiện nhiều địa phương chưa công bố hết dịch nên người dân chưa yên tâm tái đàn và sợ rủi ro cộng với khó khăn về vốn để tái đàn khi con giống hiện có giá rất đắt, lên cao nhất tới hơn 3 triệu/con giống.

Dẫn báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Hải cho hay tổng đàn lợn năm 2019 giảm 21% so với 2018. Tuy vậy, theo đại diện Bộ Công Thương thì báo cáo của một số địa phương, đàn lợn có thể giảm trên 50%.

“Một số doanh nghiệp lớn chiếm 35% thị phần và 65% còn lại do các hộ nhỏ lẻ cung cấp, song các hộ này đang gặp nhiều khó khăn nên nguồn cung đã thiếu lại càng thiếu,” ông Hải nói.

[Việt Nam nhập khẩu thịt lợn chủ yếu từ thị trường nào]

Cũng theo ông Hải, để tăng nguồn cung trước hết cần tập trung vào việc tái đàn, việc này Bộ Nông nghiệp đang triển khai quyết liệt cùng với các hộ chăn nuôi lớn vào cuộc nhưng không phải trong thời gian ngắn có thể khắc phục ngay được.

“Theo báo cáo của các doanh nghiệp và địa phương, có thể hết năm 2020 thì đàn lợn mới có thể quay lại như trước khi có dịch tả lợn châu Phi và vì vậy thị trường đang đối mặt với thiếu nguồn cung. Trước việc này,  Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với các bộ ngành liên quan để nhập khẩu thịt lợn bù cho phần thiếu hụt,” ông Hải thông tin thêm.

Dù vậy, đại diện Bộ Công Thương cho hay đến hết tháng 4/2020, thịt lợn nhập khẩu mới được 45.000 tấn so với hơn 100.000 tấn được giao, vì vậy còn tình trạng thiếu hụt.

Trong khi đó, cơ chế giá mặt hàng thịt lợn hiện theo thị trường và quy luật cung-cầu.

Trước thực tế này, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp tập trung vào tái đàn đồng thời phối hợp với các bộ, ngành để tăng cường nhập khẩu thịt lợn.

Liên quan đến việc nhập khẩu, ông Hải nhấn mạnh theo quy định hiện doanh nghiệp muốn nhập chỉ cần đến làm thủ tục về An toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng thịt nhập khẩu tại Cục Thú y, sau đó đến Chi cục thú y ở các vùng làm thủ tục và tiếp đó qua hải quan làm thủ tục nhập khẩu mà không cần qua bất cứ bộ, ngành nào khác.

“Với sự quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương và các hộ chăn nuôi, hy vọng từ nay đến cuối năm thịt lợn có thể bình ổn như trước thời điểm xảy ra dịch tả lợn châu Phi,” ông Hải cho hay.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết do người tiêu dùng không có thói quen dùng thịt nhập khẩu nên doanh nghiệp không dám nhập nhiều.

Vì vậy, ông Phương cũng nhấn mạnh đến việc tái đàn nhằm bình ổn thị trường cũng như kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục