Lãnh đạo ngành du lịch: ‘Không được tạo cát cứ địa phương’

Căn cứ quan trọng nhất hiện nay là chủ trương của Chính phủ thể hiện trong Nghị quyết 128 vừa ban hành, nêu rõ không được tạo ra những cát cứ địa phương, vùng miền để tạo điều kiện phục hồi kinh tế.
Theo lãnh đạo ngành du lịch, trong Nghị quyết 128 vừa ban hành nêu rõ không được tạo ra những cát cứ địa phương, vùng miền. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Theo lãnh đạo ngành du lịch, trong Nghị quyết 128 vừa ban hành nêu rõ không được tạo ra những cát cứ địa phương, vùng miền. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Trước tình hình dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát tốt hơn ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, ngành du lịch và đặc biệt là các đơn vị lữ hành, đơn vị cung ứng dịch vụ nào còn sống sót tới giờ đang rục rịch trở lại.

Để “bánh xe” phục hồi lăn đúng đường, các cấp quản lý ngành đã ban hành kế hoạch và văn bản hướng dẫn triển khai Nghị quyết 128 NQ-CP về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.” Doanh nghiệp, địa phương cùng lên giây cót để đảm bảo an toàn cho cho những chuyến đi xa. Song, thực tế triển khai còn gặp khó.

Ứng phó thế nào nếu khách đoàn có F0?

Thời điểm này, các địa phương như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng… đã sẵn sàng mở cửa du lịch.

Tỉnh Bình Định thống nhất đón khách du lịch nội địa từ ngày 1/11, trong đó tổ chức các tour nội tỉnh địa khép kín tại các vùng được xác định là an toàn, đạt độ tiêm phủ vaccine như: Bán đảo Phương Mai (xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Hội), xã đảo Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn) và thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát).

Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định, CEO Golden Life Travel cho biết yêu cầu đối với khách đoàn vẫn là đã tiêm 2 mũi vaccine (mũi thứ hai cách thời điểm khởi hành 14 ngày), test COVID-19 bằng phương pháp PCR có hiệu lực trong 72 giờ… Trong khi đó, quy định về test COVID vẫn đang đợi chủ trương thống nhất vì hiện giờ yêu cầu test đang khác nhau giữa các tỉnh, thành nên sẽ gây khó cho cả khách và lữ hành.

“Nếu trong quá trình đón khách mà chẳng may phát hiện có F0 thì lữ hành phải báo ngay cho các cơ quan quản lý, ban, ngành chức năng địa phương như Sở Du lịch, Sở Y tế... và lữ hành chỉ có vai trò phối hợp xử lý chứ không tự quyết,” bà Xuân Lan khẳng định.

Lãnh đạo ngành du lịch: ‘Không được tạo cát cứ địa phương’ ảnh 1Lữ hành Việt đã sẵn sàng đón khách. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Về phía lữ hành, bà Xuân Lan cho biết toàn bộ nhân sự đã tiêm đầy đủ vaccine, trong tour thực hiện nghiệm các biện pháp phòng dịch, phương tiện đưa đón khách đảm bảo sát khuẩn, khẩu trang, nhắc nhở khách thường xuyên thực hiện 5K…

“Tình hình hiện giờ rất khó khăn, như ở Bình Định hầu hết khách sạn vẫn đóng cửa, bởi mở ra thì tốn chi phí vận hành mà dịch bệnh thì khó lường chưa biết như nào, nhà hàng đóng cửa cho nhân viên nghỉ việc không lương, hầu hết lữ hành chưa đón khách…” bà Xuân Lan nói.

Đáng nói là Bình Định mặc dù dự kiến sẽ đón khách nội địa từ 1/11, nhưng cho đến nay, các cơ quan quản lý chức năng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể gửi tới các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành.

Cũng như bà Xuân Lan, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group (đơn vị chuyên cung ứng các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp), doanh nghiệp có đội du thuyền hoạt động ở Cát Bà, cho biết hiện tại Lux Group “vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn của các cấp quản lý ở Hải Phòng khi nào được đón khách ngoại tỉnh, nếu trong trường hợp đoàn khách có người mắc COVID-19 thì sẽ làm thế nào…? Nếu được chủ động, doanh nghiệp có thể đưa khách nhiễm bệnh vào viện, test nhanh đội ngũ tàu và mau chóng hoạt động lại bình thường.”

Vẫn còn nhiều bất cập

Theo đánh giá của lãnh đạo ngành du lịch, mặc dù có văn bản hướng dẫn, chủ trương cụ thể, thông thoáng của Chính phủ và các bộ, ngành, Trung ương nhưng việc đi lại giữa các địa phương vẫn còn nhiều bất cập.

“Tôi cho rằng, căn cứ quan trọng nhất hiện nay là chủ trương của Chính phủ, thể hiện trong Nghị quyết 128 vừa ban hành, nêu rõ không được tạo ra những cát cứ địa phương, vùng miền để tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp được phục hồi,” ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh.

Lãnh đạo ngành du lịch: ‘Không được tạo cát cứ địa phương’ ảnh 2Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch cũng đã ban hành một hướng dẫn chung cho việc thích ứng, linh hoạt phòng chống dịch hiệu quả. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng ban hành Quyết định số 4800/QĐ-BYT (12/10) về hướng dẫn chuyên môn, trong đó đưa ra 3 tiêu chí đánh giá dịch rất rõ. Cụ thể, việc kiểm soát, có xét nghiệm hay không phải phù hợp với các cấp độ dịch và cho địa phương tự đánh giá chứ không phải bắt buộc.

Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải cũng chủ động, liên tiếp đưa ra các văn bản hướng dẫn tạm thời cho việc đi lại kể cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không... Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành một hướng dẫn chung cho việc thích ứng, linh hoạt phòng chống dịch hiệu quả trong các hoạt động văn hóa, du lịch.

Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho hay “đó là một trong những căn cứ để các doanh nghiệp và địa phương mong mỏi phục hồi du lịch có thể triển khai.”

Tuy nhiên, dẫu chủ trương, hướng dẫn “ở trên” đã có, song thực tế triển khai tới từng địa phương lại đang là câu chuyện gây nhiều khó khăn và lúng túng cho các doanh nghiệp, lữ hành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục