Theo bản báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) công bố ngày 7/9, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ, hoặc có thể tiếp tục phát triển làm nền tảng xuất khẩu cho các chuỗi giá trị toàn cầu và chuyên sâu ở chức năng gia công, lắp ráp đem lại giá trị gia tăng thấp, hoặc có thể tận dụng làn sóng tăng trưởng hiện nay để đa dạng hóa và vươn lên tham gia vào các công đoạn giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi.
Đáng chú ý, việc liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào trong nước còn yếu.
Trước những nhận định trên, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có một số trao đổi với phóng viên về những nhận định trên.
[Rất ít doanh nghiệp có thể kết nối vào chuỗi sản xuất toàn cầu]
- Thưa bà, việc WB công bố Việt Nam trước ngã rẽ, vậy phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến như thế nào?
Bà Phạm Thị Thu Hằng: Đây là báo cáo khá hoàn chỉnh phản ánh thực trạng về phát triển thị trường công nghiệp ở Việt Nam nhìn từ góc độ mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập, đang cố gắng để tham gia sâu về chuỗi giá trị toàn cầu.
Chính vì thế, báo cáo có ý nghĩa hết sức quan trọng, phản ánh thực trạng việc liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước được chúng ta kỳ vọng sẽ tạo ra sức lan tỏa về công nghệ, về thị trường và trình độ sản xuất và vươn lên một nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Báo cáo đã có rất nhiều điểm đáng chú ý, trong đó có việc phân tích giữa bên cung và bên cầu, tức là mối quan hệ trong đó các doanh nghiệp FDI được kỳ vọng là những đơn vị bên cầu và doanh nghiệp trong nước là bên cung, và báo cáo đã phân tích được sự mất cân xứng trong sự phát triển cung-cầu này và tập trung chủ yếu vào những hạn chế và nếu chúng ta vượt qua được sẽ cải thiện mối quan hệ đó.
Chẳng hạn như vấn đề thông tin người mua, thông tin người bán hoặc vấn đề kỹ năng tay nghề, đào tạo nghề ở Việt Nam hay trong hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ... giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đây là những vấn đề hữu ích giúp Chính phủ trong vấn đề hoạch định chính sách kết nối giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh nghiệp FDI và các loại hình doanh nghiệp khác.
- Bà có nhắc đến việc làm thế nào để kết nối giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh nghiệp FDI, vậy thực tế này theo bà phải bắt đầu từ đâu?
Bà Phạm Thị Thu Hằng: Nhìn từ báo cáo của WB tôi thấy một điểm rất quan trọng đó là muốn kết nối được các doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh nghiệp FDI thì phải tăng cường năng lực cho họ.
Thực tế hiện nay, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy vậy hệ thống chính sách vẫn còn những điểm chồng chéo và từ góc độ của VCCI, chúng tôi cho rằng, để tạo được sự kết nối giữa các doanh nghiệp này thì cần phải có sự tham gia rất sâu của cộng đồng doanh nghiệp vào việc hoạch định chính sách, hoặc là việc thiết kế các chương trình hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh nghiệp FDI.
Lâu nay, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc có sự tham gia của cộng động doanh nghiệp trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, còn việc tham gia vào việc hoạch định chiến lược ngành hoặc việc tham gia vào việc định vị các doanh nghiệp Việt Nam hoặc quy hoạch cụm công nghiệp và chiến lược phát triển kinh tế địa phương... vẫn còn hạn chế.
Trong khi đó, chúng ta đang trong tiến trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường, do vậy việc hoạch định chính sách cũng như xây dựng các chiến lược ngành và tạo ra liên kết phụ thuộc rất nhiều vào thị trường và chỉ có doanh nghiệp mới có thể nắm bắt nhanh nhạy nhất và có thể cùng với các cơ quan nhà nước hoạch định được hoàn thiện hơn, năng động hơn và theo kịp được nhịp độ phát triển của thị trường trong và ngoài nước.
- Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể tự xây dựng được chuỗi cung ứng mà không phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của nước ngoài được không?
Bà Phạm Thị Thu Hằng: Điều này hoàn toàn có thể làm được, tuy vậy doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam rất cần những doanh nghiệp đầu tầu, những doanh nghiệp có khả năng vươn ra nước ngoài.
Bởi lẽ, khi nói đến chuỗi cung ứng toàn cầu thì đầu tiên chuỗi cung ứng đó phải có doanh nghiệp đầu tầu, họ có thể chiếm lĩnh được thị trường trong nước và tạo dựng được chuỗi cung ứng trong nước, sau đó họ sẽ đầu tư ra nước ngoài.
Một điểm đáng mừng là tại Nghị quyết Trung ương 5 đã nhấn mạnh đến việc phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân lớn để có thể thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chuỗi đó và điều quan trọng là doanh nghiệp phải liên kết với nhau nhằm tạo ra chuỗi liên kết hoàn chỉnh mà không phụ thuộc nhà đầu tư nước ngoài.
- Xin cảm ơn bà./.