Lễ hội khai ấn Đền Trần Nam Định được tổ chức trở lại sau 3 năm

Lễ hội khai ấn Đền Trần-Nam Định được tổ chức vào dịp đầu Xuân hằng năm nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm.
Lễ hội khai ấn Đền Trần Nam Định được tổ chức trở lại sau 3 năm ảnh 1Lối vào đền Trần Nam Định. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Sau 3 năm (từ 2020-2022) phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19, năm nay Lễ hội khai ấn Đền Trần sẽ được tổ chức trở lại.

Lễ hội khai ấn Đền Trần-Nam Định được tổ chức vào dịp đầu Xuân hằng năm nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân; ghi nhớ công lao to lớn của Vương triều nhà Trần đã có công dựng nước khai sông, lấn biển mở mang bờ cõi với hào khí Đông A sáng ngời, ba lần đánh thắng giặc Nguyên-Mông.

Mỗi năm, lễ hội thu hút hàng vạn du khách thập phương tham dự.

Nhân dịp Lễ hội khai ấn Đền Trần, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc như lễ rước kiệu Ngọc Lộ, rước nước, tế cá sẽ được tổ chức...

Tại buổi họp báo về công tác chuẩn bị Lễ hội khai ấn Đền Trần ngày 5/1, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Nam Định, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội khai ấn Đền Trần Nguyễn Thị Như cho biết để đảm bảo an ninh trật tự, Ban tổ chức duy trì hoạt động 16 camera tại khu vực đền Thiên Trường, nơi diễn ra lễ khai ấn, rước kiệu ấn nhằm giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định hoạt động lễ hội.

Ban tổ chức cũng thành lập các đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định về trông giữ xe, bán hàng, xử lý nạn ăn xin, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông tại khu vực lễ hội.

Công an thành phố Nam Định bố trí lực lượng triển khai 5 vòng an ninh, từ ngoài cổng đến trong khuôn viên Đền Trần nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân, du khách.

Nhằm phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, Ban tổ chức khuyến cáo, nhân dân, du khách khi về tham dự lễ khai ấn và đi lễ đầu năm tại Đền Trần đeo khẩu trang, thực hiện đúng các quy định.

Theo Ban tổ chức, thời gian quản lý lễ hội từ ngày 22/1 đến 19/2 (tức từ mùng 1-29 tháng Giêng); thời gian tổ chức lễ hội từ ngày 1-6/2 (tức từ ngày 11-16 tháng Giêng).

Cụ thể, ngày 1/2 (tức ngày 11 tháng Giêng) tổ chức lễ rước kiệu Ngọc Lộ; ngày 2/2 (tức ngày 12 tháng Giêng) tổ chức lễ rước Nước, tế Cá.

Ngày 4/2 (tức ngày 14 tháng Giêng) từ 22 giờ 15-22 giờ 40 thực hiện nghi lễ dâng hương; từ 22 giờ 40-23 giờ 10 tổ chức nghi lễ rước Kiệu ấn; từ 23 giờ 15 thực hiện nghi lễ Khai ấn.

Ngày 5/2 (tức ngày 15 tháng Giêng), từ 2 giờ thực hiện lễ hồi Kiệu ấn, từ 5 giờ tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương tại 4 điểm gồm 3 nhà Giải Vũ và Nhà trưng bày Đền Trùng Hoa.

Ngày 6/2 (tức ngày 16 tháng Giêng) tổ chức tế, lễ tiết Thượng nguyên, tế tiên tổ Vương triều Trần và thực hiện lễ dâng chúc văn hoàn cung.

Ngoài ra, trong các ngày diễn ra Lễ hội Khai ấn, tại khu vực Đền Trần tổ chức các hoạt động hội truyền thống gồm: múa lân, rồng, hát chèo, chầu văn, múa rối nước, chọi gà, đấu vật, biểu diễn võ thuật...

Như vậy năm nay lễ hội được khôi phục tổ chức cơ bản đầy đủ nhất các hoạt động lễ hội truyền thống.

Năm nay không gian lễ hội cũng được mở rộng với khu quảng trường trung tâm thuộc giai đoạn 1 của dự án Khu di tích lịch sử Văn hóa Trần đã hoàn thành.

Thành phố đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ các phương án để đảm bảo việc tổ chức lễ hội đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự, đáp ứng tốt nhu cầu tín ngưỡng đi lễ đầu Xuân của khách thập phương.

Năm nay, chính lễ lại đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, dự báo số lượng khách về dự lễ hội sẽ rất đông.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghi lễ khai ấn đền Trần với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị.

Ấn của nhà Trần khắc chữ “Trần triều điển cố” và “Tích phúc vô cương."

Bản chất của bốn chữ “Tích phúc vô cương” trên ấn là nhà Trần ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dày thì được hưởng lộc càng bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục