LHQ cảnh báo ''sự thụt lùi'' trong tài trợ cho phát triển bền vững

Các cú sốc về kinh tế và tài chính do đại dịch COVID-19 gây ra, chủ nghĩa đa phương, thiếu lòng tin vào toàn cầu hóa... khiến hoạt động tài trợ cho phát triển bền vững trở nên khó khăn hơn.
Ôtô di chuyển trên đường phố tại Los Angeles, California, Mỹ, ngày 17/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ôtô di chuyển trên đường phố tại Los Angeles, California, Mỹ, ngày 17/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong báo cáo vừa công bố, Ủy ban các vấn đề kinh tế-xã hội Liên hợp quốc (UNDESA) đã cảnh báo về sự thụt lùi trong hoạt động tài trợ cho phát triển do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời kêu gọi thúc đẩy các giải pháp.

Báo cáo tài trợ cho phát triển bền vững 2020 của UNDESA cho rằng, các cú sốc về kinh tế và tài chính do đại dịch COVID-19 gây ra như sự gián đoạn trong sản xuất công nghiệp, sự sụt giảm giá hàng hóa, biến động trên các thị trường tài chính và tình trạng không chắc chắc gia tăng đang tác động đến đà tăng trưởng kinh tế còn yếu, bên cạnh những rủi ro gia tăng đến từ các yếu tố khác như chủ nghĩa đa phương, sự bất mãn và thiếu lòng tin vào toàn cầu hóa, nguy cơ vỡ nợ và các hiện tượng khí hậu nghiêm trọng diễn ra với tần suất cao hơn.

Các yếu tố này đã khiến hoạt động tài trợ cho phát triển bền vững trở nên khó khăn hơn và làm giảm khả năng đạt các mục tiêu về phát triển bền vững vào năm 2030.

[Cùng với dịch COVID-19, biến đổi khí hậu vẫn là mối đe dọa toàn cầu]

Theo báo cáo trên, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại đáng kể trong năm 2020, xuống dưới mức tăng được coi là thấp nhất trong một thập kỷ là 2,3% ghi nhận trong năm 2019.

Bên cạnh đó, nền kinh tế thế giới cũng đang đối mặt với cơ suy thoái cao.

Báo cáo cho rằng những rủi ro về nợ có thể gia tăng hơn nữa ở những nước dễ tổn thương nhất.

Theo UNDESA, 44% số quốc gia chậm phát triển và thu nhập thấp hiện có nguy vỡ nợ cao, tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua.

Con số này có thể tăng khi dịch COVID-19 và các cú sốc giá hàng hóa cũng như các cú sốc kinh tế liên quan gây thêm sức ép lên một số nước, đặc biệt là các nước xuất khẩu dầu.

Báo cáo cho biết, các hạn chế thương mại mới cũng được thực thi, với những hạn chế nhập khẩu tăng gần 10 lần so với hai năm trước.

Đại dịch COVID-19 đã kết hợp với tác động của những hạn chế này và làm gián đoạn đáng kể hoạt động thương mại hàng hóa và dịch vụ.

Cuộc khủng hoảng này cũng làm gián đoạn các chuỗi giá trị toàn cầu, với xuất khẩu hàng hóa được cho là sẽ giảm ít nhất là 50 tỷ USD.

Trong khi đó, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng, gây rủi ro cho sự phát triển bền vững.

Trong giai đoạn 2014-2018, các hiện tượng gây thiệt hại liên quan đến thời tiết trên toàn cầu ước tăng hơn 30% so với 5 năm trước đó.

Báo cáo kêu gọi các chính phủ, doanh nghiệp và các cá nhân nhanh chóng hành động để đảo ngược tình trạng thụt lùi trong hoạt động tài trợ cho phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục