LHQ hoan nghênh Mỹ tham gia trở lại Hiệp định biến đổi khí hậu Paris

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Mỹ và các nước trên thế giới hành động để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
LHQ hoan nghênh Mỹ tham gia trở lại Hiệp định biến đổi khí hậu Paris ảnh 1Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu trong cuộc họp báo tại New York, Mỹ, ngày 18/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh việc Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và kêu gọi hành động toàn cầu để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Phát biểu ngày 19/2 tại một sự kiện trực tuyến đánh dấu sự trở lại của Mỹ, Tổng Thư ký Guterres nêu rõ đây là một tin tốt lành cho nước Mỹ nói riêng và thế giới chung.

Theo ông, trong 4 năm qua, sự vắng mặt của Mỹ với tư cách là một bên đóng vai trò quan trọng đã tạo ra lỗ hổng trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, có thể ví như "một mắt xích bị thiếu làm suy yếu toàn bộ."

Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã kêu gọi Mỹ và các nước trên thế giới hành động để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ông nhấn mạnh hiệp định Paris là một thành tựu lịch sử, nhưng những cam kết đưa ra cho đến nay vẫn là chưa đủ. Thậm chí nhiều cam kết được nêu ra trong văn bản này cũng chưa được thực hiện đầy đủ.

6 năm kể từ năm 2015, thời điểm các nước đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cũng là 6 năm thế giới nóng nhất. Mức khí thải carbon dioxide đang ở mức cao kỷ lục. Hỏa hoạn, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn ở mọi nơi trên thế giới.

[Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu]

Ông nhấn mạnh nếu không thay đổi hướng đi, nhân loại có thể phải đối mặt với mức tăng nhiệt độ lên tới hơn 3 độ C trong thế kỷ này.

Tổng Thư ký Guterres nêu rõ năm này cũng là thời điểm quan trọng của hành động vì khí hậu toàn cầu. Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), vào tháng 11 tới sẽ là một cơ hội then chốt.

Các chính phủ sẽ đưa ra những quyết định về tương lai của con người và hành tinh. Mỹ cùng với tất cả các thành viên của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu nhất thế giới (G20) có vai trò quyết định trong việc thực hiện ba mục tiêu chính: tầm nhìn dài hạn, thập kỷ chuyển đổi và hành động khí hậu khẩn cấp.

Mục tiêu trọng tâm của Liên hợp quốc trong năm nay là tạo ra một liên minh toàn cầu thực sự để trung hòa khí thải nhà kính vào năm 2050.

Nhà lãnh đạo Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 là cơ hội để các nước tái thiết nền kinh tế mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn. Để làm được điều đó, cần phải đầu tư vào một nền kinh tế xanh, tạo ra việc làm ổn định, được trả lương cao để đảm bảo sự thịnh vượng, công bằng và bền vững hơn.

Tổng Thư ký Guterres khẳng định hiện là thời điểm thực hiện thay đổi mang tính chuyển đổi: dần loại bỏ than đá; hỗ trợ một quá trình chuyển đổi công bằng, đào tạo và tạo cơ hội cho những người bị ảnh hưởng; ngừng đầu tư vào các dự án nhiên liệu hóa thạch...

Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải thu hẹp khoảng cách tài chính bằng cách hỗ trợ các nước đang chịu tác động tàn khốc của cuộc khủng hoảng khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục