LHQ thúc đẩy phục hồi đồng đều thông qua đầu tư vào việc làm

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nêu rõ đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính và xã hội toàn cầu và chỉ ra thiếu sót trong đầu tư vào bảo trợ xã hội và những dịch vụ thiết yếu.
LHQ thúc đẩy phục hồi đồng đều thông qua đầu tư vào việc làm ảnh 1Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres.(Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 28/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi các nước trên thế giới nỗ lực thúc đẩy sự phục hồi đồng đều sau đại dịch COVID-19 thông qua đẩy mạnh đầu tư vào những việc làm thỏa đáng, bảo trợ xã hội và chuyển đổi sang mục tiêu đưa lượng khí phát thải ròng về bằng 0.

Việc làm thỏa đáng là tổng hòa những khát vọng của con người trong cuộc đời làm việc của họ, trong đó có cơ  hội có được những việc làm ổn định với mức thu nhập xứng đáng, an toàn tại nơi làm việc, có phúc lợi xã hội cho gia đình, triển vọng tươi sáng để phát triển cá nhân và hội nhập xã hội.

Phát biểu tại một sự kiện cấp cao về việc làm và bảo trợ xã hội để xóa nghèo, Tổng Thư ký nêu rõ đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính và xã hội toàn cầu và chỉ ra thiếu sót trong đầu tư vào bảo trợ xã hội và những dịch vụ thiết yếu.

Ông nhấn mạnh việc tái cam kết xã hội cần là trung tâm của sự phục hồi. Ông Guterres cho rằng để phá vỡ chu kỳ khủng hoảng, thế giới cần đầu tư có chiến lược nhằm tạo ra những việc làm thỏa đáng, cũng như thúc đẩy hành động vì khí hậu với sự hỗ trợ hiệu quả từ các hệ thống bảo trợ xã hội mạnh mẽ.

Quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững có tiềm năng tạo ra việc làm, giảm bất bình đẳng và hướng tới công bằng xã hội. Ông nêu rõ: "Chúng ta cần xây dựng mạng lưới bảo trợ xã hội toàn cầu vào năm 2030, bao gồm việc chăm sóc y tế toàn dân, đảm bảo thu nhập, giáo dục và đào tạo kỹ năng, đặc biệt là cho phụ nữ và trẻ em."

Ông nhấn mạnh mọi gói kích thích kinh tế và ngân sách quốc gia cần dựa trên hoặc đảm bảo phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi tăng cường đoàn kết quốc tế trong vấn đề này.

Cũng trong phát biểu của mình, Tổng Thư ký Guterres đã đề cập đến việc thành lập cơ chế Tăng tốc hỗ trợ việc làm và bảo trợ xã hội toàn cầu mới, phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Mục tiêu của kế hoạch này là tạo ra ít nhất 400 triệu việc làm vào năm 2030, chủ yếu trong ngành kinh tế xanh và đề cao việc quan tâm đến con người và môi trường thiên nhiên, cũng như đảm bảo 50% những người chưa được tiếp cận với những hình thức bảo trợ xã hội tối thiểu sẽ được hỗ trợ vào năm 2025.

Tổng Thư ký Guterres cũng bày tỏ quan ngại về sự chênh lệch lớn trong khả năng phục hồi giữa các nước sau 2 năm chìm trong cuộc khủng hoảng COVID-19, đe dọa niềm tin và tinh thần đoàn kết quốc tế. Đại dịch đã làm trầm trọng thêm sự bất công vốn có trong xã hội.

Tại các nước phát triển, khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 kết hợp với các gói kích thích kinh tế và đầu tư lớn đã giúp các nền kinh tế này sớm mở cửa trở lại và được dự báo có khả năng tăng trưởng từ 5-6% trong năm nay. Trong khi đó, con số này tại các nước châu Phi cận Sahara chỉ ở mức khoảng 2,5%.

[LHQ kêu gọi tái khởi động ngành du lịch xanh, bảo đảm công bằng]

Một báo cáo mới đây của Hội nghị Thương mại và phát triển Liên hợp quốc dự báo rằng chi phí tích lũy của việc trì hoãn tiêm chủng sẽ chạm ngưỡng 2.300 tỷ USD vào năm 2025 mà đối tượng phải gánh chịu lại là các nước đang phát triển. Ông Guterres cảnh báo điều này không chỉ đe dọa sự phát triển, mà còn dẫn đến một thế hệ trẻ em không được học hành tử tế, thất nghiệp, gây tâm lý bất mãn trong giới trẻ.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể làm tăng số người nghèo cùng cực lên tới 224 triệu người trên khắp thế giới. Hơn 75% số “người nghèo mới” này tập trung tại các nước có thu nhập trung bình. Đại dịch COVID-19 cũng gây ra thiệt hại lâu dài ở các nước đang phát triển, khi gánh nặng nợ nần cản trở các chính phủ đầu tư vào phục hồi.

Các nền kinh tế tiên tiến đang đầu tư khoảng 28% GDP vào phục hồi kinh tế, trong khi con số này ở các nước thu nhập trung bình và thấp chỉ vào khoảng 2% đến 6,5% GDP. Nhiều nước đang phát triển khác đang phải đối mặt với sự tàn phá nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu mà họ không phải là tác nhân gây ra.

Người đứng đầu Liên hợp quốc cảnh báo sự phục hồi không đồng đều và không công bằng này đang làm xói mòn lòng tin giữa các nước phát triển và đang phát triển, trong khi niềm tin là điều cần thiết cho sự hợp tác toàn cầu trong các lĩnh vực khác.

Mặc dù vậy, Tổng Thư ký Guterres vẫn hoan nghênh việc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã thông qua mức phân bổ chung mới dành cho Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), tương đương 650 tỷ USD, trong nỗ lực thúc đẩy thanh khoản toàn cầu nhằm hỗ trợ các quốc gia chiến đấu với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông cho rằng số tiền đó chưa được phân bổ đến những quốc gia thật sự nguy cấp.

Tương tự, Sáng kiến hoãn thanh toán nợ  (DSSI) và Khuôn khổ chung về xử lý nợ của G20 cũng phần nào làm dịu bớt cuộc khủng hoảng nợ, nhưng những nỗ lực này vẫn chưa đủ. DSSI sẽ được mở rộng vào năm tới và cung cấp cho tất cả các quốc gia có thu nhập trung bình có nhu cầu cấp bách.

Ông nhấn mạnh nếu không được xóa hay giảm nợ, nhiều nước sẽ rơi vào tình trạng tài chính bất ổn và phải trả giá bằng chính sinh mạng và chất lượng cuộc sống của người dân. Người đứng đầu Liên hợp quốc một lần nữa nhấn mạnh vai trò thiết yếu của hợp tác toàn cầu trong việc nâng cao năng lực chống chịu những cú sốc trong tương lai thông qua việc xây dựng nền kinh tế lấy con người làm trung tâm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục