Liban thẩm vấn cựu Chủ tịch Nissan về lệnh truy nã của Interpol

Một quan chức giấu tên tại tòa án cho biết Thẩm phán Imad Qabalan đã thẩm vấn cựu Chủ tịch Ghosn trước sự chứng kiến của đại diện pháp lý của ông này về nội dung trong lệnh truy nã.
Liban thẩm vấn cựu Chủ tịch Nissan về lệnh truy nã của Interpol ảnh 1Cựu Chủ tịch tập đoàn sản xuất ôtô Renault-Nissan, ông Carlos Ghosn tại cuộc họp báo ở Beirut, Liban, ngày 8/1/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 30/5, giới chức tòa án Liban cho biết nước này đã thẩm vấn cựu Chủ tịch của Nissan, ông Carlos Ghosn, sau khi nhận được lệnh truy nã đỏ của Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) về việc bắt giữ ông này.

Trao đổi với báo giới, một quan chức giấu tên tại tòa án cho biết Thẩm phán Imad Qabalan đã thẩm vấn cựu Chủ tịch Ghosn trước sự chứng kiến của đại diện pháp lý của ông này về nội dung trong lệnh truy nã.

[Pháp phát lệnh truy nã quốc tế cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn]

Các câu hỏi tập trung vào các cáo buộc bao gồm "rửa tiền, lạm dụng quyền lực... làm phung phí tiền của công ty" và những cáo buộc khác.

Theo quan chức này, ông Ghosn sau đó đã được trả tự do.

Hồi đầu tháng Năm, Liban đã nhận được lệnh truy nã đỏ của Interpol. Đây không phải là lệnh truy nã quốc tế, mà yêu cầu các cơ quan chức năng trên toàn thế giới tạm giữ những đối tượng trong thời gian chờ dẫn độ hoặc các hành động pháp lý khác.

Lệnh truy nã này được đưa ra sau khi Pháp hồi tháng 4 đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Ghosn liên quan đến khoản tiền hơn 15 triệu euro (16,3 triệu USD) bị nghi là tiền thanh toán giữa liên minh Renault-Nissan của ông Ghosn với công ty Suhail Bahwan Automobiles (SBA) của Oman.

Theo quan chức tòa án trên, sau phiên thẩm vấn mới nhất, Liban sẽ gửi câu trả lời của ông Ghosn tới các cơ quan tư pháp Pháp.

Liban đã yêu cầu Pháp gửi tất cả bằng chứng mà họ thu thập được chống lại ông Ghosn để cơ quan tư pháp có thể xác định xem liệu ông ta có thể bị xét xử ở Beirut hay không.

Ông Ghosn mang 3 quốc tịch Pháp, Liban và Brazil.

Từ chỗ được coi là "vị cứu tinh" của Nissan khi có công đưa tập đoàn này thoát khỏi bờ vực phá sản, ông Ghosn đã bị nhà chức trách Nhật Bản bắt giữ với các cáo buộc gian lận tài chính hồi tháng 11/2018, trong đó có việc khai man thu nhập và lạm dụng tín nhiệm phục vụ lợi ích cá nhân.

Cựu Chủ tịch Nissan đã phủ nhận tất cả các tội danh và trốn khỏi Nhật Bản đến Liban ngày 29/12/2019 khi đang trong thời gian được bảo lãnh tại ngoại chờ xét xử.

Liban không dẫn độ công dân của mình và đã cấm ông Ghosn rời khỏi lãnh thổ nước này.

Hai đối tượng người Mỹ giúp ông Ghosn trốn khỏi Nhật Bản đã bị dẫn độ từ Mỹ đến Nhật Bản xét xử vào năm ngoái với mức án từ 20 đến 24 tháng tù giam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục