Libya: Sân bay quốc tế Mitiga vẫn đóng cửa sau vụ tấn công

Sân bay duy nhất phục vụ các chuyến bay quốc tế tại thủ đô Tripoli của Libay - vẫn tiếp tục đóng cửa trong ngày 16/1, một ngày sau vụ tấn công nhằm vào sân bay này khiến ít nhất 20 người thiệt mạng.
Libya: Sân bay quốc tế Mitiga vẫn đóng cửa sau vụ tấn công ảnh 1Mitiga - sân bay duy nhất phục vụ các chuyến bay quốc tế tại thủ đô Tripoli. (Nguồn: timeslive.co.za)

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, Mitiga - sân bay duy nhất phục vụ các chuyến bay quốc tế tại thủ đô Tripoli của Libay - vẫn tiếp tục đóng cửa trong ngày 16/1, một ngày sau vụ tấn công nhằm vào sân bay này khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và phá hủy nhiều máy bay.

Cơ quan chức năng cho biết tất cả các chuyến bay theo lịch trình trước đó tại sân bay Mitiga sẽ được chuyển sang thành phố miền Tây Misrata.

Lực lượng phòng vệ al-Radaa thuộc Bộ Nội vụ, đơn vị chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh sân bay, cho biết tình hình tại sân bay Mitiga đang được kiểm soát chặt chẽ.

Sân bay Mitiga, từng là một căn cứ không quân nằm ở vùng ven phía Đông của thủ đô Tripoli, đã bị những đối tượng hiện chưa xác định danh tính tấn công với mục đích giải thoát những phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tổ chức khủng bố al-Qaeda và một số nhóm cực đoan khác đang bị giam tại một nhà tù đặt trong sân bay này.

[Libya: 83 người thương vong trong vụ tấn công ở sân bay Mitiga]

Theo lực lượng chức năng, hiện có hơn 2.500 người đang bị giam giữ tại nhà tù trong sân bay Mitiga vì các tội danh khác nhau.

Bộ Y tế Libya cho biết ít nhất 20 người đã thiệt mạng và 63 người bị thương trong vụ tấn công, bao gồm cả thường dân và binh sỹ.

Năm máy bay thuộc sở hữu của hãng hàng không Libya Afriqiyah Airways, bao gồm 1 máy bay chở hàng, đã bị hư hỏng nghiêm trọng.

Hãng vận tải tư nhân Buraq Air của Libya cho biết 2 máy bay Boeing của hãng này cũng bị phá hủy trong vụ việc.

Mitiga trở thành sân bay dân dụng kể từ khi sân bay quốc tế chính của Tripoli bị tàn phá trong các cuộc giao tranh của các nhóm vũ trang đối địch vào giữa năm 2014.

Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn và bất ổn kể từ sau cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi năm 2011. Các lực lượng đối địch không ngừng giao tranh để giành quyền kiểm soát nguồn lợi dầu mỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục