Liên hợp quốc bổ sung danh sách hàng hóa cấm bán sang Triều Tiên

Ủy ban Giải trừ quân bị của Liên hợp quốc bổ sung 32 hàng hóa có thể sử dụng với mục đích dân sự lẫn quân sự vào danh sách hàng hóa và công nghệ bị cấm bán hoặc chuyển giao cho Triều Tiên.
Liên hợp quốc bổ sung danh sách hàng hóa cấm bán sang Triều Tiên ảnh 1Toàn cảnh phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ủy ban Giải trừ quân bị của Liên hợp quốc giám sát các lệnh trừng phạt Triều Tiên bổ sung 32 hàng hóa có thể sử dụng với mục đích dân sự lẫn quân sự (còn gọi là hàng hóa lưỡng dụng) vào danh sách hàng hóa và công nghệ bị cấm bán hoặc chuyển giao cho Triều Tiên.

Trong một văn bản lưu hành tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 23/10, ủy ban giám sát các lệnh trừng phạt Triều Tiên nói trên nhấn mạnh các hàng hóa trong danh mục bổ sung này bao gồm các hộp có thể được dùng để chứa vật liệu phóng xạ, hệ thống làm mát liên tục, các máy chụp tia X và thiết bị dự báo động đất. Các mặt hàng khác nằm trong danh sách này gồm máy gia tốc nguyên tử, acid nitric dạng đặc, thiết bị phát hiện, giám sát và đo lường phóng xạ...

Phát biểu tại một hội nghị giải trừ quân bị ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ, Đại sứ Mỹ Robert Wood nêu rõ Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác nhằm gây áp lực kinh tế và ngoại giao tối đa đối với Bình Nhưỡng, qua đó buộc giới chức Triều Tiên thay đổi lộ trình và tham gia vào các cuộc đàm phán về việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Ông nhấn mạnh Triều Tiên sẽ không đạt được an ninh và thịnh vượng mà nước này theo đuổi cho đến khi tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế.

[EU cân nhắc tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên]

Trong khi đó, Rachel Hicks, một thành viên khác của phái đoàn Mỹ tham dự hội thảo trên, cho rằng Triều Tiên đã vi phạm mọi thỏa thuận mà nước này có trong suốt 25 năm qua về chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Theo bà, Triều Tiên đã sử dụng các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo để đe dọa các nước và gây áp lực đối với các cuộc đàm phán và thỏa thuận quốc tế, nhằm đổi lấy lợi ích về dầu mỏ, thực phẩm, tài chính. Bà hối thúc các thành viên của ủy ban ủng hộ nghị quyết trên, đồng thời khẳng định nghị quyết này sẽ làm rõ rằng việc tuân thủ các thỏa thuận có vai trò quan trọng với hòa bình và ninh quốc tế, cũng như thể hiện quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong sử dụng biện pháp ngoại giao buộc bên vi phạm phải tuân thủ cam kết.

Trước đó, ngày 11/9 vừa qua, toàn bộ 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết mới tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân thứ sáu của Triều Tiên hôm 3/9. Biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất trong nghị quyết mới này là cấm toàn bộ hàng xuất khẩu dệt may của Triều Tiên.

Năm ngoái, ngành công nghiệp dệt may đã mang lại doanh thu gần 1 tỷ USD cho Triều Tiên. Bên cạnh đó, nghị quyết duy trì lệnh cấm vận khí đốt tự nhiên, song chỉ áp đặt mức trần đối với xuất khẩu dầu đã tinh chế sang Triều Tiên ở mức 500.000 thùng trong vòng ba tháng tính từ ngày 1/10 và ở mức 2 triệu thùng trong 12 tháng tính từ ngày 1/1 năm sau. Ngoài ra, xuất khẩu dầu thô sang Triều Tiên bị giới hạn ở mức hiện nay là 2 triệu thùng một năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục