Liên hợp quốc kêu gọi các cường quốc hợp tác chống biến đổi khí hậu

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã gạt cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sang bên lề khi các nước phải áp đặt các biện pháp chưa từng có tiền lệ nhằm khống chế sự lây lan của đại dịch.
Liên hợp quốc kêu gọi các cường quốc hợp tác chống biến đổi khí hậu ảnh 1Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Nguồn: THX/TTXVN)

Các cường quốc trên thế giới cần hợp tác với nhau và thay đổi nền kinh tế vì một tương lai xanh nếu không nhân loại sẽ "diệt vong."

Đây là cảnh báo vừa được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra ngày 8/9.

Theo ông, việc thế giới chưa thể kiểm soát sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho thấy nguy cơ của thực trạng mất đoàn kết trên thế giới.

Trước khi virus SARS-CoV-2 tấn công, năm 2020 được coi là năm bản lề để cảnh báo sự ấm dần lên của Trái Đất, với các hội nghị cấp cao được lên kế hoạch để đưa ra cảnh báo công khai về tương lai của hành tinh.

[Thực trạng băng tan xảy ra theo đúng kịch bản xấu nhất của LHQ]

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã gạt cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sang bên lề khi các nước phải áp đặt các biện pháp chưa từng có tiền lệ nhằm khống chế sự lây lan của đại dịch.

Do đó, việc thực thi hành động chống biến đổi khí hậu đang khẩn thiết hơn bao giờ hết.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres cũng nhấn mạnh việc thế giới chưa thể ngăn chặn đại dịch COVID-19 cho thấy cộng đồng quốc tế hợp tác chưa đủ.

Chính vì vậy, các nước cần hợp tác với nhau để đối phó với mối đe dọa về khí hậu, mà theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc là còn lớn hơn nhiều so với mối đe dọa của đại dịch, bởi đây là nguy cơ hiện hữu đối với cả hành tinh và chính mạng sống của con người.

Ông nhấn mạnh chính "ô nhiễm chứ không phải con người" mới cần bị đánh thuế, đồng thời kêu gọi các nước ngừng ngay việc trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, bắt đầu đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo, cũng như đưa ra cam kết không phát thải carbon vào năm 2050.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực trong năm nay nhằm khống chế việc gia tăng nhiệt độ ở mức dưới 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền công nghiệp.

Trước khi đại dịch xảy ra, việc thực thi hiệp định này cũng đã rơi vào thế bí, với các nghi ngờ liên quan đến những cam kết của các nước phát thải nhiều carbon nhất, cùng những quan ngại về việc hiệp định này là chưa đủ để ngăn chặn thảm họa về biến đổi khí hậu.

Chưa kể năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra quyết định gây chấn động thế giới, khi rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Theo kế hoạch, Washington sẽ chính thức rút khỏi hiệp định này vào ngày 4/11, ngay sau cuộc bầu cử tổng thống.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, hiện vẫn chưa có tín hiệu nào về việc Mỹ sẽ khôi phục các chính sách theo những mục tiêu mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đề ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục