Long An đặt sức khỏe học sinh lên trên hết khi đi học trực tiếp

Lãnh đạo tỉnh Long An chủ trương không đặt nặng số liệu, tỷ lệ đến trường học trực tiếp sau dịch, quan trọng nhất vẫn là sức khỏe của học sinh.
Long An đặt sức khỏe học sinh lên trên hết khi đi học trực tiếp ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa làm việc tại huyện Bến Lức. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Ngày 5/12, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa cùng các ban, ngành liên quan đi khảo sát tại các huyện Bến Lức và Cần Đước về công tác chuẩn bị cho ngày đi học trực tiếp của khối trung học phổ thông từ ngày mai 6/12.

Huyện Bến Lức là 1 trong 3 địa phương có ca mắc COVID-19 cao nhất tỉnh Long An thời gian qua. Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Thọ là trường có số học sinh cao nhất tỉnh với tổng số 3.346 học sinh, 81 lớp chia 3 khối lớp 10, 11 và 12.

Trường đã có 3.284 học sinh đã tiêm vaccine mũi 1 (đạt hơn 98%), số còn lại có 55 học sinh là F0, 7 học sinh có bệnh nền nặng, là F0 mới khỏi bệnh và phụ huynh chưa an tâm cho tiêm. Nhà trường có tổng số 173 cán bộ, giáo viên, nhân viên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine; hiện có 5 giáo viên đang là F0.

Đoàn cũng kiểm tra và làm việc tại Trường Trung học Phổ thông Rạch Kiến (huyện Cần Đước). Các trường đều đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh và phòng dành cho cách ly y tế tạm thời. Đồng thời đặt ra các phương án bảo đảm an toàn cho học sinh như phân luồng giãn cách học sinh, thực hiện nghiêm yêu cầu phòng, chống dịch trong nhà trường; ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập vào nhà trường; xử lý khi có học sinh có triệu chứng bệnh trên lớp học.

[Hà Nội: Đảm bảo an toàn sức khỏe học sinh khi đến trường học trực tiếp]

Đặc biệt, ngoài tổ chức học trực tiếp trên lớp, nhà trường còn quy định giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn chịu trách nhiệm gửi tài liệu cho các em học sinh tạm thời chưa đến trường được, hoặc mở điện thoại, laptop tại lớp học và gửi đường link cho học sinh có thể theo dõi thầy cô giảng dạy và học trực tuyến tại nhà.

Phó Giám đốc Sở Y tế Mai Văn Dũng cho rằng đối với những học sinh có bệnh nền hoặc những phụ huynh học sinh còn lo lắng nên chưa cho con em tiêm vaccine, nhà trường có thể vận động phụ huynh đến tiêm tại các cơ sở y tế, tại đây khi tiêm học sinh được khám sàng lọc để biết bệnh nền nào nên tiêm và không nên tiêm.

Hiện nay những F0 khỏi bệnh sau 6 tháng có thể tiêm vaccine; đối với những người có bệnh nền càng được khuyến cáo nên tiêm vì khi mắc bệnh, tỷ lệ bệnh nặng cao hơn người không có bệnh nền.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Long An Nguyễn Thanh Tiệp nhấn mạnh, giai đoạn này kế hoạch dạy và học phải linh hoạt, trong khả năng thực tế các trường thực hiện theo phương án đã đề ra. Tuyệt đối không tự ý ra văn bản có nội dung “Nếu sau này vào học trực tiếp mà chưa tiêm thì không được vào học” như trường hợp Trường Trung học Cơ sở Mỹ Hạnh (xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa). Trong trường hợp bất thường thì báo cáo lãnh đạo Sở để có chỉ đạo cụ thể, thống nhất.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa nhấn mạnh do chưa có sự thống nhất cao của một số phụ huynh nên trước mắt đi học trở lại sĩ số có thể không cao, nhà trường và thầy cô không xem đây là cơ sở để đánh giá hạnh kiểm, đạo đức của học sinh trong giai đoạn này.

Lãnh đạo tỉnh chủ trương không đặt nặng số liệu, tỷ lệ đến trường học trực tiếp sau dịch, quan trọng nhất vẫn là sức khỏe của học sinh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đánh giá cao sự chủ động trong công tác chuẩn bị cho việc đi học trở lại của các địa phương và nhà trường. Ông đồng tình phương án học trực tiếp ở lớp và giáo viên mở điện thoại, máy tính cho học sinh học trực tuyến tại nhà đối với những trường hợp đang là F0 và tạm thời chưa đến trường được, trước mắt nhà trường cần tạo điều kiện đầy đủ cho những trường hợp này học tại nhà.

Bên cạnh những giải pháp phòng dịch đầy đủ, ông Phạm Tấn Hòa lưu ý nhà trường vận động phụ huynh chủ động quan tâm kiểm tra sức khỏe học sinh tại nhà, nếu có biểu hiện bất thường chủ động test nhanh cho trẻ, góp phần cùng nhà trường làm tốt công tác phòng, chống dịch.

Sở Y tế thường xuyên phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ chuyên môn khi cần, xử lý kịp thời, đúng quy định các trường hợp F1, F0 trong nhà trường, không gây hoang mang trong phụ huynh học sinh. Nếu làm tốt thời gian đầu sẽ giúp cho phụ huynh học sinh yên tâm cho trẻ đến trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục