Lượng khí thải ở châu Âu bất ngờ giảm sau hơn 1 năm tăng liên tiếp

Sự gia tăng phát thải nhiên liệu hóa thạch ở EU sau đại dịch COVID-19 đã kết thúc trong vài tháng qua nhờ nguồn cung năng lượng sạch tăng lên kết hợp với các biện pháp tiết kiệm năng lượng.
Lượng khí thải ở châu Âu bất ngờ giảm sau hơn 1 năm tăng liên tiếp ảnh 1Khí thải phát ra từ một nhà máy điện hạt nhân ở Saint-Vulbas, Pháp ngày 25/1/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) ngày 3/11 cho biết lượng khí thải từ lĩnh vực năng lượng ở Liên minh châu Âu đã giảm xuống nhờ nguồn cung cấp điện sạch hơn và nỗ lực tiết kiệm năng lượng.

Tổ chức độc lập chuyên nghiên cứu các xu hướng, nguyên nhân và tác động đến sức khỏe do ô nhiễm không khí gây ra này cho biết lượng khí thải carbon dioxide (CO2) đã giảm 5% trong quý 3/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, và riêng tháng 10 ghi nhận mức giảm 8%, sau khi tăng đều đặn kể từ tháng 3/2021.

Nhà phân tích Lauri Myllyvirta thuộc CREA cho biết sự gia tăng sử dụng và phát thải nhiên liệu hóa thạch của EU sau đại dịch COVID-19 đã kết thúc trong vài tháng qua nhờ nguồn cung cấp năng lượng sạch tăng lên, trong đó năng lượng Mặt Trời dẫn đầu, cùng với các biện pháp tiết kiệm năng lượng do cuộc khủng hoảng cung cấp nhiên liệu hóa thạch gây ra.

Các chính sách và đầu tư vào năng lượng sạch đã được mở rộng đáng kể, điều này sẽ giúp giảm phát thải bền vững trong những năm tới.

Theo tổ chức trên, lượng khí phát thải tại châu Âu đã tăng kể từ tháng 3/2021 khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, trong khi năng lượng hạt nhân và thủy điện kém hiệu quả, cùng với nhu cầu điện trong các đợt nắng nóng vào mùa Hè, đã thúc đẩy nhu cầu về năng lượng nhiên liệu hóa thạch.

[EU thông qua luật cấm bán ôtô sử dụng năng lượng hóa thạch từ năm 2035]

Việc sản xuất thủy điện hiện đang gần với mức trung bình trong lịch sử và công suất sản xuất điện hạt nhân yếu kém sẽ sớm phục hồi, giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào các chất ô nhiễm.

Tập đoàn điện lực EDF của Pháp dự kiến sẽ đưa phần lớn cơ sở hạt nhân của mình trở lại bảo trì vào đầu năm 2023, trong khi Đức đã gia hạn hoạt động của ba lò phản ứng còn lại đến tháng 4/2023.

Bà Myllyvirta cho rằng lượng khí phát thải từ ngành điện tăng tính đến tháng 8/2022 không thể là do các chính sách ưu đãi than, vì không có sự chuyển dịch từ khí sang than trong hỗn hợp nhiên liệu cho sản xuất nhiệt điện vào năm 2022.

Các nhà lãnh đạo thế giới dự kiến sẽ thảo luận về việc gia tăng các cơ sở sản xuất năng lượng sạch ở các nước mới nổi trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc hàng năm tại Ai Cập, diễn ra từ ngày 6/11./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục