Malaysia nêu bật tầm quan trọng của việc đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa

Ngoại trưởng Malaysia nhấn mạnh dù môi trường an ninh bất trắc và đại dịch COVID-19 đặt ra những thách thức mới, thế giới cần kiên trì theo đuổi giải trừ vũ khí hạt nhân.
Malaysia nêu bật tầm quan trọng của việc đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa ảnh 1Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah. (Nguồn: AFP)

Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah hy vọng hoạt động kỷ niệm Ngày quốc tế Xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân (26/9) sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức của công chúng về tính khẩn cấp của việc phải đạt mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Trong bài phát biểu được ghi âm trước và gửi đến phiên họp toàn thể cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc kỷ niệm sự kiện trên, ngày 29/9, Ngoại trưởng Malaysia hoan nghênh việc Hiệp ước Cấm Vũ khí hạt nhân (TPNW) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 22/1, qua đó củng cố các tiêu chuẩn toàn cầu rằng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được.

Ông nhấn mạnh: "Không nên sử dụng, đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân; cần loại bỏ và tiêu hủy vũ khí hạt nhân ngay khi có thể. Việc cấm vũ khí hạt nhân sẽ góp phần hướng tới hòa bình và an ninh quốc tế."

Ông Abdullah chỉ ra rằng mục tiêu đạt được một thế giới không có vũ khí hạt nhân là mong mỏi lâu nay của cộng đồng quốc tế, kể từ khi thành lập Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1946. Vì vậy, Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) đến nay vẫn là "hòn đá tảng" của cơ chế giải giáp và không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu.

[Việt Nam chung tay cùng quốc tế phấn đấu xóa bỏ vũ khí hạt nhân]

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Malaysia bày tỏ lo ngại khi tiến trình giải trừ hạt nhân chưa đạt tiến bộ đáng kể trong thời gian gần đây. Theo ông Abdullah, các nước đang sở hữu vũ khí hạt nhân vẫn có thể sử dụng thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt này. Hơn nữa, các nước đảm bảo "chiếc ô hạt nhân" cho nước khác cũng đang tiếp tục thúc đẩy sự tồn tại của loại vũ khí chết người này.

Ông cảnh báo rằng trong khi thế giới sắp tổ chức Hội nghị đánh giá NPT lần thứ 10, loài người vẫn phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu khi vũ khí hạt nhân vẫn tồn tại và ngày càng được hiện đại hóa.

Ông nhấn mạnh dù môi trường an ninh bất trắc và đại dịch COVID-19 đặt ra những thách thức mới, thế giới cần kiên trì theo đuổi giải trừ vũ khí hạt nhân.

Ông hy vọng tại hội nghị tới, các quốc gia thành viên sẽ tái khẳng định nghĩa vụ của mình và những cam kết trước đây đối với Hiệp ước và thực thi hiệu quả cam kết của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục