“Mảnh ghép” quan trọng trong chiến lược bao phủ vaccine COVID-19

Nhằm thực sự chuyển sang trạng thái bình thường mới, các quốc gia đang đẩy mạnh chiến lược bảo vệ trẻ em trước các biến thể của virus SARS-CoV-2 bằng cách tiêm vaccine ngừa COVID-19.
“Mảnh ghép” quan trọng trong chiến lược bao phủ vaccine COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau hai năm dịch COVID-19 hoành hành, các chuyên gia đều thống nhất rằng vaccine chính là vũ khí để chiến thắng đại dịch. Với tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng, tình hình dịch COVID-19 đang hạ nhiệt, nhiều quốc gia đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch, mở cửa kinh tế, khôi phục nhiều hoạt động xã hội.

Nhằm thực sự chuyển sang trạng thái bình thường mới, tiến tới sống chung an toàn với COVID-19 trong dài hạn, các quốc gia đang đẩy mạnh chiến lược bảo vệ trẻ em trước các biến thể của virus SARS-CoV-2 bằng cách tiêm vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt là các em dưới 12 tuổi.

Theo trang thống kê worldometers.info, trong tuần qua, số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu đã giảm 13% so với tuần trước đó, với hơn 9 triệu ca mắc mới, trong khi tỷ lệ tử vong giảm 19%. Châu Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Phi đều ghi nhận xu hướng giảm. Hungary, Ba Lan, Đan Mạch, Iceland, Singapore... đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại.

Những chuyển biến tích cực này là minh chứng cho thấy thành công của chiến lược bao phủ vaccine kết hợp với các biện pháp phòng dịch hiệu quả.

Với mục tiêu đưa COVID-19 thành bệnh đặc hữu, giúp nối lại hoạt động trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đóng vai trò rất quan trọng.

Chuyên gia cảnh báo khi trở lại trường học, biến thể Omicron đã khiến số ca lây nhiễm ở trẻ tăng lên. Mặc dù trẻ ở lứa tuổi này mắc COVID-19 phần lớn đều nhẹ nhưng cũng cần phải cách ly và có sự chăm sóc của cha mẹ, khiến học trực tuyến kéo dài, tạo thêm gánh nặng lên xã hội.

Các số liệu nghiên cứu cũng cho thấy những biến chứng khi mắc COVID-19 ở nhóm này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của trẻ như biến chứng viêm cơ tim, Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C). Riêng tại Mỹ, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) cho biết dù trẻ em có ít nguy cơ nhập viện do COVID-19 hơn người trưởng thành, song căn bệnh này là nguyên nhân khiến 118.000 em phải nhập viện và gần 1.400 ca tử vong, bao gồm 321 em trong độ tuổi từ 5-11. Thậm chí, COVID-19 còn bị xem là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ trong độ tuổi này.

Giáo sư William Chui Chun-ming, Chủ tịch Hiệp hội Dược sĩ Bệnh viện Hong Kong (Trung Quốc), khẳng định tiêm vaccine vẫn là chìa khóa để bảo vệ trẻ em khỏi virus, giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các biến chứng và ngăn ngừa việc nhập viện, thậm chí tử vong.

Ngoài ra, vaccine cũng bảo vệ trẻ không bị di chứng COVID-19 kéo dài - một tình trạng khiến các em có thể mệt mỏi, mất tập trung, đau đầu và khó thở nhiều tháng sau khỏi bệnh. Bên cạnh đó, nguy cơ lây nhiễm virus sang những người xung quanh sẽ tạo thành vòng lặp lây nhiễm, khiến dịch bệnh khó chấm dứt.

Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng việc kiểm soát đại dịch sẽ không thể đạt hiệu quả nếu thiếu chương trình tiêm phòng cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Hiện nay hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, một số quốc gia đã triển khai từ năm 2021. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 21/1 đã khuyến nghị sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech với liều lượng 10 microgram để tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, tương đương 1/3 được dùng cho người từ 12 tuổi trở lên hiện nay.

Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech đã được cấp phép sử dụng cho nhóm tuổi từ 5-11 ở Mỹ, Australia, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia châu Á khác.Theo bà Kate O'Brien, Giám đốc phụ trách vaccine của WHO, kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy không có mối lo ngại nào về an toàn khi tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech cho nhóm tuổi trên và vaccine hiệu quả tới 90,7% trong việc ngăn ngừa nguy cơ mắc COVID-19.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ, hai mũi vaccine củaPfizer/BioNTech sẽ giảm nguy cơ nhiễm biến thể Omicron ở mức 31% đối với trẻ em từ 5-11 tuổi. Vaccine cũng hiệu quả tới 74% trong việc giảm nguy cơ nhập viện ở nhóm độ tuổi này, khi Omicron là biến thể chủ đạo.

Tại Mỹ, làn sóng dịch bệnh liên quan đến biến thể Omicron đã đẩy số ca nhiễm và nhập viện ở trẻ em lên mức cao nhất trong đại dịch. Đa phần các trường hợp nhập viện là chưa tiêm phòng. Trước tình hình này, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 29/10/2021 đã cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Pfizer/BioNTech cho trẻ dưới 12 tuổi. Canada cũng phê duyệt sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ 5-11 tuổi, trong khi một số nước châu Mỹ như Argentina, Ecuador, Chile... sử dụng vaccine bất hoạt của hãng Sinovac và Sinopharm (Trung Quốc) tiêm cho nhóm trẻ dưới 12 tuổi.

Cuba là nước đầu tiên trên thế giới tiêm vaccine cho trẻ từ 2-11 tuổi đại trà từ tháng 9 năm ngoái, sử dụng vaccine Soberana 02 tự bào chế. Các thử nghiệm lâm sàng đã chỉ ra rằng vaccine này có hiệu quả hơn 90% trong việc bảo vệ chống lại COVID-19. Vaccine Soberana 02 của Cuba đã được Venezuela và Nicaragua sử dụng để tiêm cho trẻ từ 2 - 12 tuổi.

Tại châu Âu, Cơ quan Quản lý dược phẩm Liên minh châu Âu (EMA) hồi tháng 11/2021 đã thông qua việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 5-11 tuổi. Chỉ vài ngày sau đó, Đan Mạch đã triển khai tiêm cho trẻ nhỏ trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 ở nước này gia tăng đột biến với sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Nhằm ngăn chặn chuỗi lây lan của virus và duy trì các lớp học, từ giữa tháng 12/2021, các nước thành viên EU cũng lần lượt triển khai chiến dịch tiêm phòng. Pháp và Đức là hai quốc gia ban đầu chỉ khuyến khích những trẻ có vấn đề về sức khỏe tiêm phòng, song sau đó đã quyết định mở rộng sang những trường hợp tự nguyện.

Anh hiện triển khai tiêm vaccine cho trẻ em có nguy cơ dễ chuyển nặng sau khi mắc COVID-19, hoặc bị ức chế miễn dịch. Theo mô hình nghiên cứu của Ủy ban hỗn hợp về tiêm phòng và miễn dịch Anh (JCVI), việc tiêm phòng đầy đủ cho 1 triệu trẻ em tại Anh trong độ tuổi từ 5-11 sẽ giúp giảm 156 ca nhập viện do hội chứng MIS-C liên quan đến COVID-19 trong trường hợp bùng phát làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng trong tương lai, 27 ca nhập viện khi xảy đợt dịch bùng phát ít nghiêm trọng hơn.

[Dịch COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng trở lại tại Nhật Bản]

Ngoài vaccine của Pfizer/BioNTech, Australia là một trong những quốc gia đầu tiên phê duyệt sử dụng vaccine của Moderna cho trẻ dưới 12 tuổi, sau khi kết quả thử nghiệm lâm sàng đối với 4.753 trẻ trong độ tuổi từ 6-11 cho thấy trẻ có lượng kháng thể tương đương với nhóm tiêm phòng COVID-19 trong độ tuổi từ 18-25.

Tỷ lệ trẻ có kháng thể sau tiêm lên tới 99,3%. Hiện Canada và EU cũng đã cấp phép sử dụng vaccine của Moderna cho độ tuổi trên.

Tại châu Á, vào tháng 6/2021, Trung Quốc đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 theo công nghệ bất hoạt (sử dụng vaccine nội địa của các hãng Sinopharm và Sinovac) cho trẻ em và thanh thiếu niên từ 3-17 tuổi. Năm ngoái, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng cấp phép sử dụng vaccine của Sinopharm tiêm cho trẻ từ 3 tuổi.

Trong bối cảnh ca nhiễm tăng vọt do biến thể Omicron, Nhật Bản đã tiến hành tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 5-11 tuổi vào tháng 2, trong khi Hàn Quốc bắt đầu triển khai từ cuối tháng 3 năm nay. Các nước Đông Nam Á như Lào, Singapore, Philippines, Malaysia, Thái Lan... cũng đều triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhóm độ tuổi này, chủ yếu sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech.

Riêng Campuchia đã tiêm vaccine cho nhóm tuổi này từ tháng 9 năm ngoái và Indonesia từ tháng 11 năm ngoái, đều sử dụng vaccine của Sinovac Biotech (Trung Quốc). Từ tháng 2 vừa qua, Campuchia cũng bắt đầu tiêm cho nhóm trẻ từ 3-5 tuổi bằng vaccine của Sinovac.

Trên cơ sở tham khảo chương trình tiêm chủng của nhiều nước và khuyến nghị của WHO, Việt Nam đã phê chuẩn sử dụng vaccine phòng COVID-19 của Pfizer và của Moderna  để tiêm cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi.

Ngay trong đầu tháng 4, sau khi vaccine phòng COVID-19 được cung ứng, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi này.

“Mảnh ghép” quan trọng trong chiến lược bao phủ vaccine COVID-19 ảnh 2Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau một thời gian triển khai, phần lớn các nước đều khẳng định so với người lớn, trẻ em ít bị phản ứng phụ do vaccine ngừa COVID-19 hơn. Theo CDC của Mỹ, trong số 8 triệu trẻ trong độ tuổi từ 5-11 được tiêm phòng COVID-19 trong thời gian từ tháng 11-12/2021 tại nước này, có 97,6% phản ứng phụ được ghi nhận là không nghiêm trọng.

Tại Australia, tính đến ngày 30/1, Cơ quan Quản lý Dược phẩm nước này đã không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào bị viêm cơ tim sau tiêm.

Có thể thấy việc tiêm phòng cho trẻ dưới 12 tuổi góp phần quan trọng đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn đang lây lan tại nhiều nơi, giúp kinh tế-xã hội từng bước phục hồi và mở cửa trở lại.

Sự hỗ trợ tỉ mỉ, chuẩn bị chu đáo và cam kết từ cơ quan chức năng sẽ là chìa khóa tạo sự đồng thuận trong xã hội, thúc đẩy chương trình tiêm chủng cho trẻ em, hoàn thiện bức tranh bao phủ vaccine và sớm đẩy lùi đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục