Mất mùa do hạn hán ở châu Âu tăng gấp 3 lần trong 50 năm qua

Thiệt hại sản lượng mùa vụ do nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng đã tăng gấp 3 lần, từ mức 2,2% trong giai đoạn 1964-1990 lên 7,3% trong giai đoạn 1991-2015.
Mất mùa do hạn hán ở châu Âu tăng gấp 3 lần trong 50 năm qua ảnh 1Một đàn bò di chuyển trên lòng sông khô cạn do hạn hán tại Maisons-du-Bois-Lievremont, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mức độ nghiêm trọng của mất mùa do các đợt nắng nóng và hạn hán ở châu Âu đã tăng gấp 3 lần trong 50 năm qua, cho thấy tính dễ bị tổn thương của hệ thống thực phẩm trước biến đổi khí hậu.

Trong một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Environmental Research Letters, các chuyên gia đã tìm hiểu hoạt động sản xuất nông nghiệp ở 28 quốc gia châu Âu và Anh từ năm 1961 đến năm 2018.

Họ tiến hành so sánh dữ liệu này với dữ liệu về các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, các đợt nắng nóng, lũ lụt và thời tiết lạnh giá, qua đó đã tìm thấy bằng chứng biến đổi khí hậu làm gia tăng thiệt hại về sản lượng mùa vụ.

Thiệt hại sản lượng mùa vụ do nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng đã tăng gấp 3 lần, từ mức 2,2% trong giai đoạn 1964-1990 lên 7,3% trong giai đoạn 1991-2015. Nghiên cứu cũng cho thấy riêng tình trạng hạn hán xảy ra ngày càng thường xuyên và mức độ ngày càng nghiêm trọng.

[Châu Âu khô hạn, hình thái nắng nóng bất thường vẫn chưa dừng lại]

Bà Teresa Bras làm việc tại Trường Khoa học và Công nghệ Nova ở Lisbon - tác giả chính của nghiên cứu, cho biết nhìn chung sản lượng vụ mùa của châu Âu vẫn tăng trong giai đoạn nói trên, với mức tăng gần 150% trong khoảng thời gian từ giai đoạn 1964-1990 đến giai đoạn 1991-2015.

Tuy nhiên, những thiệt hại liên quan thời tiết cực đoan khác nhau tùy thuộc loại cây trồng. Theo đó, ngũ cốc - loại lương thực chiếm gần 65% diện tích canh tác của Liên minh châu Âu và chủ yếu được sử dụng làm thức ăn gia súc, là loại cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Đợt nắng nóng kinh hoàng và hạn hán năm 2018 ở châu Âu đã khiến sản lượng ngũ cốc giảm 8% so với mức trung bình của năm năm trước đó, gây ra tình trạng thiếu thức ăn cho gia súc và khiến giá hàng hóa tăng mạnh.

Kể từ khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015, thế giới đã trải qua năm năm nóng nhất. Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc đã cảnh báo hoạt động sản xuất lương thực "vô cùng nhạy cảm" với biến đổi khí hậu.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience cho thấy các trận hạn hán mùa Hè gần đây ở châu Âu là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất mà "Lục địa già" từng trải qua trong 2.110 năm qua. Châu lục này cũng ghi nhận những đợt nắng nóng gia tăng đột ngột kể từ năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục