Mizuho mua chi nhánh Royal Bank để tăng cạnh tranh ở Mỹ

Tập đoàn Tài chính Mizuho của Nhật Bản sẽ mua các chi nhánh kinh doanh cho vay và các lĩnh vực liên quan ở Bắc Mỹ của Royal Bank của Scotland với giá khoảng 3 tỷ USD.
Mizuho mua chi nhánh Royal Bank để tăng cạnh tranh ở Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: japandailypress.com)

Tập đoàn Tài chính Mizuho của Nhật Bản ngày 27/2 cho biết sẽ mua các chi nhánh kinh doanh cho vay và các lĩnh vực liên quan ở Bắc Mỹ của Royal Bank của Scotland với giá khoảng 3 tỷ USD.

Tập đoàn tài chính hàng đầu của Nhật Bản sẽ mua lại bộ phận đầu tư tín dụng với tổng mức đầu tư 36,5 tỷ USD cho 200 doanh nghiệp khách hàng trong bối cảnh Mizuho muốn giành lợi thế trong việc tăng nhu cầu vay vốn ở thị trường Mỹ. Tính đến hết tháng 12/2014, dư nợ của hệ thống tín dùng này đạt 3.2 tỷ USD.

RBS và Mizuho, cũng muốn sớm hoàn tất thương vụ M&A này vào giữa tài khoá 2015, cũng sẽ thảo luận về việc luân chuyển các nhân viên của ngân hàng Anh này liên quan đến kinh doanh nợ.

Các thiết chế tài chính Nhật Bản đang mở rộng hoạt động kinh doanh cho vay ở nước ngoài để bù đắp cho tình hình lợi nhuận eo hẹp ở Nhật Bản do lãi suất quá thấp và vì thị trường trong nước sẽ sụt giảm do suy giảm dân số.

Thoả thuận mới nhất này là một phần của việc Mizuho thúc đẩy việc tập trung nhiều hơn và thị trường nợ cho các doanh nghiệp khách hàng ở nước ngoài. Hồi năm 2011, Mizuho đã thiết lập mối quan hệ đầu tư với Ngân hàng Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Tập đoàn Tài chính UFJ Mitsubishi, đối thủ trong nước của Mizuho, cũng đang tìm cách tăng cường kinh doanh ở Bắc Mỹ thông qua chi nhánh Union Bank N.A.

California. UFJ cũng tăng cường hoạt động ở châu Á khi mua lại 72% cổ phần của Ngân hàng Ayudhya của Thái Lan với giá 4,5 tỷ USD hồi năm 2013.

Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui cũng nỗ lực tăng cường hiện diện ở châu Á thông qua các mối quan hệ đầu tư với Ngân hàng Acleda của Campuchia và PT Tabungan Pensiunan Nasional Tbk ở Indonesia.

RBS từng gặp nhiều khó khăn sau suy thoái kinh tế hồi năm 2008 và khủng hoảng nợ công châu Âu mới đây và hiện đang trong quá trình tái cơ cấu, tinh giản các hoạt động bảo hiểm và tài chính khác ở nước ngoài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục