Mưa to gây nhiều thiệt hại tại Tuyên Quang, Phú Thọ và Thanh Hóa

Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua đã gây thiệt hại nặng về người, tài sản và hoa màu... của người dân trên địa bàn 3 tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ và Thanh Hóa.
Mưa to gây nhiều thiệt hại tại Tuyên Quang, Phú Thọ và Thanh Hóa ảnh 1Nhiều nhà dân bị ngập do mưa lũ. (Ảnh: TTXVN phát)

Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ và Thanh Hóa đã gây thiệt hại nặng về người, tài sản và hoa màu... của người dân.

Tại Tuyên Quang, tính đến 17 giờ ngày 24/5, mưa lớn trên địa bàn tỉnh đã làm sạt lở đất, đá gây thiệt hại 101 ngôi nhà của người dân, làm 2 người chết và 4 người bị thương. Hai nạn nhân tử vong do sạt lở đất là ông Lâm Vĩnh Hiệp, 37 tuổi, trú tại thôn Tháng 10, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên và bà Ma Thị Mạnh, 62 tuổi, thôn Bản Khản, xã Bình Phú, huyện Chiêm Hóa.

Bốn người người bị thương gồm: chị Lý Thị Hòa, sinh năm 1992 và con gái hơn 2 tháng tuổi, trú tại thôn An Lạc, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang; chị Nguyễn Thị Ngoan, sinh năm 1995 và con trai sinh năm 2000, tại thôn Tháng 10, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, bị thương do mưa lớn làm đổ nhà.

Ngoài ra, mưa lớn còn làm 1.600ha lúa và hoa màu bị ngập nước; gần 7ha diện tích cây ăn quả bị thiệt hại; 23 con gia súc và 560 con gia cầm bị chết. Thiên tai cũng làm hư hỏng nhiều công trình thủy lợi; sạt lở 30m kè taluy dương Quốc lộ 2 đoạn qua xã Trung Môn, huyện Yên Sơn và nhiều tuyến đường giao thông liên huyện, xã bị sạt lở gây ách tắc cục bộ…

Ngay sau khi thiệt hại xảy ra, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang và các cơ quan chức năng đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình có nạn nhân tử vong do sạt lở đất. Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, chỉ đạo lực lượng xung kích ở cơ sở thường trực 24/24, sẵn sàng các phương án ứng phó, di chuyển người dân đến nơi an toàn và xử lý tình huống có thể xảy ra.

Tại Phú Thọ, theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ ngày 20/5 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa vừa, mưa to kèm theo dông lốc gây nhiều thiệt hại về tài sản của người dân. Lượng mưa phổ biến từ 86,4-293mm. Trong đó, một số địa phương mưa rất to như ở Vụ Quang, Thọ Sơn (huyện Đoan hùng), Đông Cửu (huyện Thanh Sơn); Đại Phạm (huyện Hạ Hòa)…

[Nhiều diện tích lúa mới trổ bông và chuẩn bị gặt tại Vĩnh Phúc bị ngập]

Mưa to kèm theo dông lốc đã làm 4 nhà bếp ở huyện Tam Nông, Đoan Hùng, Hạ Hòa bị hư hỏng; hơn 1.000m bờ, đường giao thông liên xã và bờ sông ở các huyện Phù Ninh, Đoan Hùng, Thanh Thủy bị sạt trượt, đổ vỡ; gần 1.500ha lúa, ngô và rau màu và thủy sản bị gập úng ở thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, Phù Ninh, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Thủy, Cẩm Khê. Mưa to, gió lớn cũng đã làm đổ gãy 1 cột điện dân sinh ở Phù Ninh; hàng trăm mét tường rào của người dân bị đổ.

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị thành đã kiểm tra hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại. Tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các huyện nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương huy động nhân lực, phương tiện khơi thông và bơm tiêu các khu vực bị ngập úng; hướng dẫn nhân dân khẩn trương thu hoạch lúa bị đổ để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

Tại Thanh Hóa, do có mưa lớn từ ngày 22-24/5 với tổng lượng mưa lên đến 500mm khiến hàng trăm hộ dân ở huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) bị ngập sâu, làm cuộc sống, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.

Trong ngày 24/5, nhiều hộ dân tại xã Minh Tâm (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) vẫn đang sống trong cảnh bị nước lũ ngập sâu và tràn vào trong nhà. Từ rạng sáng cùng ngày, người dân phải kê đồ đạc lên cao, tránh ngập nước bị hư hỏng. Khu chợ Hậu Hiền của xã cũng chìm trong biển nước khiến hàng trăm tiểu thương phải dừng kinh doanh, buôn bán.

Bà Trần Thị Phượng (trú gần khu chợ Hậu Hiền, xã Minh Tâm) cho biết từ năm 2000 đến nay, người dân nơi đây mới thấy tình trạng mưa ngập trái mùa như vậy. Chỉ vài giờ đồng hồ nước đã ngập trắng, tràn cả vào nhà khiến gia đình bà phải kê cao đồ đạc, tránh ngập lụt. Ao cá sắp đến kỳ thu hoạch của gia đình bị mất trắng. Năm sào lúa ngoài đồng cũng bị ngập nặng chưa thu hoạch được.

Hiện tại, đê sông Dừa bị ngập cục bộ, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã sử dụng bao cát đắp ngăn nước. Bốn trạm bơm trên địa bàn huyện Thiệu Hóa cũng được huy động tối đa công suất nhằm bơm thoát nước chống ngập úng cho lúa Hè Thu đang chuẩn vào vụ thu hoạch. Lực lượng cán bộ huyện và chính quyền địa phương cũng trực tiếp đi kiểm tra nhằm phát hiện sớm những nơi bị ách tắc dòng chảy để khơi thông. Huyện Thiệu Hóa vận động người dân nước rút đến đâu tập trung thu hoạch lúa đến đó, tránh để lúa bị ngập úng, gây thiệt hại. Đồng thời, huy động đoàn thanh niên, dân quân, đoàn thể tập trung giúp dân gặt lúa.

Ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thiệu Hóa cho biết do mấy ngày nay trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn, kéo dài cùng với lượng nước từ thượng nguồn đổ về dẫn đến tình trạng tại một số điểm bị ngập cục bộ. Hiện các xã Thiệu Toán, Thiệu Chính, Thiệu Hòa, Minh Tâm, Thiệu Thành và Thiệu Công có một số điểm bị ngập, nước vẫn chưa rút. Ủy ban Nhân dân huyện đang phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục bơm nước để chống ngập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục