Mỹ điều tra cáo buộc sở cảnh sát Baltimore kỳ thị người da đen

Ngày 6/5, bang Maryland, Mỹ được dỡ bỏ, chính quyền thành phố đã yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ tiếp tục điều tra các cáo buộc đối với sở cảnh sát thành phố về phân biệt đối xử đối với người da màu.
Mỹ điều tra cáo buộc sở cảnh sát Baltimore kỳ thị người da đen ảnh 1Lệnh giới nghiêm đã được dỡ bỏ tại thành phố Baltimore của Mỹ. (Nguồn: mashable.com)

Ngày 6/5, ba ngày sau khi lệnh giới nghiêm tại thành phố Baltimore, bang Maryland của nước Mỹ được dỡ bỏ, chính quyền thành phố đã yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ tiếp tục điều tra sâu hơn các cáo buộc đối với sở cảnh sát thành phố về vi phạm dân quyền và phân biệt đối xử đối với người da màu.

Thị trường thành phố Baltimore, bà Stephanie Rawlings-Blake, cho biết bà yêu cầu Bộ Tư pháp điều tra xem liệu sở cảnh sát thành phố có tiến hành các hoạt động lục soát, tuần tra, tìm kiếm và bắt giữ các đối tượng tình nghi có thể vi phạm Hiến pháp hoặc luật pháp liên bang hay không.

Bà khẳng định với tư cách là thị trưởng thành phố, bà sẽ không trốn tránh thách thức lớn nhất này.

Bạo động đã bùng phát tại Baltimore hôm 27/4 sau vụ Freddie Gray, thanh niên da màu, tử vong do chấn thương nặng khi bị cảnh sát bắt giữ.

Hàng trăm nhà cửa bị đốt cháy và gần 300 người bị bắt giữ, đã buộc chính quyền bang Maryland ban bố tình trạng khẩn cấp.

Sự việc này được coi là nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua khi buộc lực lượng vệ binh quốc gia Mỹ phải tuần tra các tuyến phố và lệnh giới nghiêm được thiết lập.

Đây cũng là vụ bạo loạn nghiêm trọng nhất kể từ làn sóng biểu tình bạo loạn bùng nổ tại thị trấn Furguson, bang Missouri hồi năm ngoái sau vụ cảnh sát da trắng bắn chết thanh niên da màu không có vũ trang Michael Brown, 18 tuổi.

Sở Cảnh sát Baltimore vốn có nhiều điều tiếng về việc sử dụng vũ lực quá mức cần thiết và phân biệt đối xử với người gốc Phi. Hồi tháng Mười năm ngoái, chính quyền thành phố đã phải trả một khoản tiền lên tới 6 triệu USD để bồi thường cho hàng trăm vụ kiện cáo buộc cảnh sát có hành xử hung bạo và lạm dụng quyền hạn đối với dân thường.

Hàng loạt vụ cảnh sát gây chết người đã khiến tâm lý chống chính phủ ngày càng tăng tại Mỹ, dẫn tới việc gia tăng số vụ tấn công bạo lực nhằm vào các nhân viên làm việc trong lực lượng thực thi pháp luật.

Mới đây nhất, Quan chức cấp cao của Sở Cảnh sát New York Jovoda Cooper ngày 4/5 thông báo Brian Moore, nhân viên cảnh sát bị một đối tượng da màu nổ súng vào đầu hôm 2/5, đã không qua khỏi và tử vong tại bệnh viện.

Đây là trường hợp thứ 5 xảy ra tấn công nhằm vào các nhân viên cảnh sát ở thành phố New York trong 5 tháng qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục