Mỹ đối mặt với sức ép về mục tiêu giảm 50% lượng khí thải cho đến 2030

Các nhà bảo vệ môi trường, một số công ty và quan chức châu Âu đang kêu gọi Mỹ công bố mục tiêu giảm ít nhất 50% lượng khí thải cho đến năm 2030 từ mức của năm 2005.
Mỹ đối mặt với sức ép về mục tiêu giảm 50% lượng khí thải cho đến 2030 ảnh 1Khói phát thải ra từ một nhà máy lọc dầu ở Houston, bang Texas, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo một phân tích mới, Mỹ đang đối mặt với sức ép phải đề ra mục tiêu giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của nước này từ nay cho đến năm 2030.

Nếu Mỹ thực sự làm như kỳ vọng, đây sẽ là một trong cam kết tham vọng nhất về giảm lượng khí thải trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.

Công ty nghiên cứu Rhodium cùng với một số nhà phân tích từng làm việc cho chính quyền thời Tổng thống Barack Obama đã đưa ra nhận định trên trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị công bố cam kết về giảm lượng khí thải của nước này cho đến năm 2030 trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris.

Cam kết này được gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Washington cũng sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu diễn ra vào ngày 22/4 tới nhân Ngày Trái Đất.

[Mỹ cam kết hỗ trợ các nước giảm tác động của biến đổi khí hậu]

Các nhà bảo vệ môi trường, một số công ty và quan chức châu Âu đang kêu gọi Mỹ công bố mục tiêu giảm ít nhất 50% lượng khí thải cho đến năm 2030 từ mức của năm 2005. Mỹ là nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.

Theo Giám đốc công ty Rhodium, đồng thời là cựu nhà đàm phán về khí hậu của Mỹ, Kate Larsen, hiện những cam kết tham vọng nhất là của Vương quốc Anh với mục tiêu giảm 63% lượng khí thải, tiếp đó là của EU và Thụy Sĩ - hai nước đều cam kết giảm khoảng 51% so với mức của năm 2005.

Theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015, các quốc gia đã đồng ý hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2 độ C và an toàn hơn là ở mức 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Thỏa thuận này hoàn toàn không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý mà thay vào đó khuyến khích các nước thực hiện các cam kết của riêng mình thông qua NDC./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục