Mỹ triển khai kiểm tra thân nhiệt hành khách tại năm sân bay

Trong vài ngày tới Mỹ sẽ bắt đầu soi chiếu và kiểm tra thân nhiệt của các du khách từ các nước châu Phi ra vào 5 sân bay của Mỹ để ngăn chặn dịch bệnh này lây lan vào Mỹ.
Mỹ triển khai kiểm tra thân nhiệt hành khách tại năm sân bay ảnh 1Nhân viên sân bay kiểm tra thân nhiệt hành khách tại sân bay quốc tế Lungi ở Freetown, thủ đô Siera Leone ngày 14/8. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 8/10, đúng ngày bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus Ebola tại Mỹ bị thiệt mạng, giới chức an ninh của nước này ra thông báo cho biết trong vài ngày tới sẽ bắt đầu soi chiếu và kiểm tra thân nhiệt của các du khách từ các nước châu Phi đã và đang bị dịch Ebola hoành hành ra vào 5 sân bay của Mỹ để ngăn chặn dịch bệnh này lây lan vào nước Mỹ.

Cùng ngày, Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng hối thúc chính quyền các bang và các cộng đồng dân cư cùng gia tăng các biện pháp phòng ngừa và đối phó với nguy cơ dịch Ebola.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông báo ngày 8/10 của Giám đốc Trung tâm kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh liên bang (CDC) Tom Frieden cho biết việc gia tăng soi chiếu và kiểm tra thân nhiệt các du khách đến từ châu Phi sẽ được áp dụng trước mắt tại 5 sân bay có tần suất hoạt động nhộn nhịp nhất là: JFK International Airport vào ngày 11/10 tới, sân bay Newark Liberty International Airport cũng ở thành phố New York, Washington Dulles International Airport ở thủ đô Washington DC, O'Hare International Airport tại thành phố Chicago và sân bay Atlanta International Airport ở thành phố Atlanta, bang Georgia.

Năm sân bay này chiếm tới 94% lượng du khách từ các nước châu Phi nhập cảnh vào Mỹ.


[Videographics] Quy trình điều trị bệnh tại trung tâm Ebola ở châu Phi

Giám đốc Frieden cho rằng việc áp đặt gia tăng các biện pháp an ninh y tế này sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân Mỹ.

Ông Frieden xác định mọi biện pháp mới được áp dụng đều vẫn không thể bảo đảm chắc chắn cho nước Mỹ tránh được rủi ro trừ khi cộng đồng quốc tế chấm dứt được dịch Ebola đang hoành hành tại khu vực Tây Phi. Du khách vào Mỹ từ ba quốc gia sẽ được kiểm tra nghiêm ngặt hơn là Guinea, Liberia và Sierra Leone.

Cụ thể, tất cả du khách đến từ ba quốc gia này sẽ được các nhân viên hải quan Mỹ tháp tùng đưa tới một khu vực soi chiếu và kiểm tra thân nhiệt đặc biệt. Du khách cũng sẽ phải trả lời một số câu hỏi đã từng tiếp xúc với những người bị nhiễm virus Ebola hay chưa. Du khách nào bị phát hiện có triệu chứng nhiễm Ebola sẽ được các nhân viên dịch tễ đánh giá và ngay lập tức cho cách ly. Biện pháp soi chiếu và kiểm tra thân nhiệt này cũng đã được áp dụng tại cửa khẩu các sân bay, nơi các du khách khởi hành chuyến đi.

Cùng ngày, phát biểu trong hội nghị trực tuyến với các địa phương, Tổng thống Barack Obama kêu gọi chính quyền các bang, các cộng đồng dân cư cùng nỗ lực, trở thành tuyến đầu trong cuộc chiến chống nguy cơ bùng phát của dịch Ebola trên lãnh thổ Mỹ.

Ông Obama xác định cuộc chiến chống Ebola là một ưu tiên đối với an ninh quốc gia, chứ không thuần túy là an ninh y tế và sức khỏe con người. Tổng thống Obama bày tỏ hy vọng với đội ngũ bác sỹ và nhân viên y tế giỏi cộng với trình độ khoa học y tế cao, nước Mỹ sẽ ngăn chặn được sự bùng nổ của loại virus đã cướp đi sinh mạng của 3.439 người trong tổng số 7.492 người bị nhiễm bệnh trong vài tháng qua này.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng ngày cũng lên tiếng hối thúc các quốc gia đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực chung ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola, nhưng không phải bằng cách đóng cửa biên giới hoặc cấm các chuyến bay tới khu vực Tây Phi mà phải làm ngược lại, tức là phải mở cửa biên giới và tăng các chuyến bay chở các bác sỹ, chuyên gia y tế, hàng viện trợ và thuốc men tới khu vực này.

Trước đó, bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán mắc bệnh Ebola ở Mỹ là ông Thomas Eric Duncan, 42 tuổi, quốc tịch Liberia, đã qua đời tại bệnh viện Texas Health Presbyterian ở thành phố Dallas, bang Texas, sau hơn hai tuần nhập viện do bị nhiễm virus Ebola. Có ít nhất 48 người đang được theo dõi chặt do từng tiếp xúc với ông Duncan trong những ngày trước khi ông này nhập viện.

Ông Duncan từng giúp một phụ nữ 19 tuổi mang thai lên taxi 5 ngày trước khi lên máy bay sang Mỹ. Người phụ nữ được ông Duncan giúp đỡ đã tử vong sau 2 ngày vào bệnh viện và được xác định là nhiễm virus Ebola./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục