Ngày 26/12, Tư lệnh Lực lượng vũ trang Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing đã kêu gọi Thái Lan xem xét lại vụ 2 công dân Myanmar bị kết án tử hình với cáo buộc đã sát hại 2 khách du lịch người Anh trong bối cảnh các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra tại khu vực cửa khẩu biên giới hai nước Myanmar -Thái Lan và tại thành phố Yangon của Myanmar.
Trong thông điệp năm mới tối 26/12 gửi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, Tướng Prawit Wongsuwon, và Tham mưu trưởng quân đội Thái Lan, Tướng Sommai Kaotira, Tướng Min Aung Hlaing đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh để xảy ra "tình trạng kết án nhầm."
Ông tin tưởng rằng "công lý sẽ được thực thi trong bối cảnh xem xét sự tôn trọng lẫn nhau và các mối quan hệ hữu nghị song phương giữa hai quốc gia."
Trước đó, ngày 25/12, Đại sứ Myanmar tại Thái Lan, ông Win Maung cũng đã kêu gọi Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha xem xét lại vụ việc trên.
Trong một tuyên bố, Đại sứ Myanmar tại Thái Lan nói rằng ông tôn trọng nhưng không chấp nhận phán quyết của tòa án Thái Lan, theo đó 2 công dân Myanmar đã bị kết án tử hình với cáo buộc đã sát hại 2 khách du lịch người Anh ở đảo Koh Tao tại tỉnh Surat Thani hồi tháng 9 năm ngoái.
Ông nói rằng với tinh thần tôn trọng hệ thống tư pháp Thái Lan, ông muốn Thủ tướng Prayut Chan-ocha xem xét lại vụ việc.
Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), chính đảng vừa giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua ở Myanmar cũng đã ra một tuyên bố kêu gọi Chính phủ Myanmar hỗ trợ việc kháng cáo của công dân nước này.
NLD cũng kêu gọi người biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Thái Lan kiềm chế không gây tổn hại hình ảnh đất nước.
Cùng ngày, hơn 2.000 người biểu tình Myanmar đã tuần hành tại cầu Hữu nghị Thái Lan-Myanmar nối giữa thị trấn Tachileik của Myanmar và huyện Mae Sai, tỉnh Chiang Rai của Thái Lan khiến phía Thái Lan phải đóng cửa biên giới.
Tại nhiều cửa khẩu khác giữa hai nước và bên ngoài Đại sứ quán Thái Lan ở thành phố Yangon suốt 3 ngày qua cũng đã diễn ra các cuộc biểu tình yêu cầu Chính phủ Thái Lan phải cùng nhà chức trách Myanmar lập ra ủy ban chung xem xét lại vụ án này với sự giám sát của đại diện Chính phủ Anh và báo chí quốc tế.
Tham gia cuộc biểu tình trên có rất nhiều thành phần, trong đó có các nhà sư, những người hoạt động chính trị và nghệ thuật. Những người tổ chức biểu tình đe dọa sẽ tuần hành rầm rộ hơn nếu không được đáp ứng yêu sách.
Sau khi nổ ra các cuộc biểu tình, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã ra khuyến cáo công dân nước này thận trọng khi sang Myanmar trong khi nhà chức trách khu vực biên giới khuyến cáo không nên sang nước láng giềng vào thời điểm hiện tại.
Theo hồ sơ vụ án của cảnh sát Thái Lan, 2 công dân Myanmar là Zaw Lin và Win Zaw Tun bị kết án tử hình vì tội sát hại công dân Anh David Miller, 24 tuổi, cưỡng hiếp rồi sát hại nạn nhân Hannah Witheridge, 23 tuổi, và âm mưu che giấu tội ác này.
Zaw Lin và Win Zaw Tun, đều 21 tuổi, bị bắt giữ hai tuần sau khi xảy ra vụ giết người dã man trên một bãi biển ở đảo Koh Tao, một điểm du lịch nổi tiếng của Thái Lan.
Cảnh sát Thái Lan cho biết hai nghi can làm việc ở quán bar trên đảo du lịch này đều đã khai nhận hành vi giết người. Cảnh sát cũng khẳng định đã tìm thấy dấu vết ADN của hai người này trên thi thể các nạn nhân.
Tuy nhiên, cả Zaw Lin và Win Zaw Tun sau đó đều đã rút lại lời khai và nói rằng họ đã bị đánh đập, bức cung.
Những thông tin mâu thuẫn về quá trình phá án từng khiến Bộ Ngoại giao Anh phải triệu đại diện ngoại giao Thái Lan tại London tới để bày tỏ lo ngại về công tác điều tra.
Chính phủ Anh cũng đề nghị nhà chức trách Bangkok tiến hành điều tra vụ án một cách công bằng và minh bạch, đồng thời đã cử một nhóm điều tra tới Thái Lan hỗ trợ công tác phá án.
Hiện Hội Luật sư Thái Lan cũng đã thông báo sẽ hợp tác với Đại sứ quán Myanmar và thân nhân hai bị cáo để hỗ trợ pháp lý. Hội Nhà báo Thái Lan cũng cho biết sẽ hợp tác với Hội Nhà báo Myanmar để theo dõi vụ việc./.