Mỹ-Venezuela: Khi chính trị thực dụng lên tiếng

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden - bị đe dọa bởi một cuộc khủng hoảng năng lượng và đang đối diện với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ - đã bắt đầu xem xét lại chính sách trừng phạt với Venezuela.
Mỹ-Venezuela: Khi chính trị thực dụng lên tiếng ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro. (Nguồn: Bloomberg)

Theo mạng tin questiondigital.com (Venezuela), chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden - bị đe dọa bởi một cuộc khủng hoảng năng lượng và đang đối diện với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới - đã bắt đầu xem xét lại chính sách dựa trên công kích và trừng phạt của mình với Venezuela.

Thậm chí, họ còn công nhận cuộc đối thoại giữa chính quyền Caracas với các nhóm đối lập từng diễn ra tại Mexico nhưng bị đình hoãn là khuôn khổ thương lượng khả thi duy nhất.

Bước đi mới đây của Washington với Caracas, với việc cho phép tập đoàn dầu khí xuyên quốc gia của Mỹ Chevron được trở lại hoạt động tại Venezuela, diễn ra đồng thời với việc nới lỏng một số hạn chế về kiều hối, du lịch và thị thực mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt lên Cuba, và phản ánh nỗ lực chỉnh sửa diện mạo của Mỹ tại khu vực trước thềm một Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ đang có nguy cơ trở thành “vết nhơ” ngoại giao.

Những lời phản đối đồng loạt tại khu vực Mỹ Latin-Caribe và tuyên bố của một số nguyên thủ không dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần 9 dự kiến vào tháng 6 tới tại Los Angeles do quyết định loại bỏ Venezuela, Cuba và Nicaragua là một thách thức đối với chính quyền Biden.

Chính quyền Biden hiểu rằng ảnh hưởng của Mỹ về kinh tế, thương mại và đầu tư tại khu vực đang bị thách thức bởi Trung Quốc, nước đã có những bước tiến đáng kể nhờ vào những thỏa thuận đối tác chiến lược và mô hình cam kết song phương không đi kèm các điều kiện ngăn cản hội nhập kinh tế và duy trì sự phụ thuộc về địa chính trị.

Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng mục tiêu của Washington nhằm phản công lại các bước tiến của Bắc Kinh sẽ đồng nghĩa với việc chia rẽ khu vực và định hướng các nước trong khía cạnh địa chính trị.

[Mỹ sẽ nới lỏng một số biện pháp trừng phạt đối với Venezuela]

Trở lại với Venezuela, Chevron đã tiến hành vận động hành lang tại Nhà Trắng ngay từ khi Biden bắt đầu nhiệm kỳ mới để tái khởi động hoạt động tại Venezuela. Về mặt kỹ thuật, tập đoàn khổng lồ này của Mỹ chưa bao giờ rời khỏi quốc gia Nam Mỹ này khi vẫn duy trì biên chế nhân sự và các hoạt động duy tu bảo dưỡng để chờ đợi sự trở lại công khai - bước đi vừa được phê duyệt.

Đây là biện pháp có thể mang lại những tổn thất chính trị nhất định cho Đảng Dân chủ cầm quyền trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới. Vì vậy, Nhà Trắng đã chọn lựa lập luận về một "hành động thiện chí" với mục đích bề ngoài là khuyến khích tái khởi động đối thoại giữa Chính phủ Venezuela với phe đối lập bị gián đoạn tại Mexico. Nhưng tất nhiên, mục tiêu không "thánh thiện" như vậy.

Dầu thô của Venezuela, vốn bị gạt ra khỏi các cơ sở lọc dầu của Mỹ từ năm 2017, nay lại trở thành nhu cầu cấp thiết của chính quyền Biden trong nỗ lực tái cân bằng bản đồ năng lượng của mình giữa cuộc chiến tại Ukraine, cuộc “cãi vã” với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các lệnh trừng phạt nặng nề với Iran và Venezuela - hai nhà sản xuất lớn của thế giới.

Với luận điệu hỗ trợ đàm phán, Washington muốn giảm nhẹ tính cấp bách của nhu cầu tiếp cận nguồn dầu tại Venezuela.

Cần nhớ rằng bước đi đầu tiên được Mỹ tiến hành từ hồi tháng 3/2022, với chuyến công du của một nhóm quan chức Mỹ tới Caracas và tiếp kiến Tổng thống Nicolás Maduro, diễn ra song song với động thái cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga.

Trong hoàn cảnh này, khả năng gỡ bỏ một phần các trừng phạt của Mỹ áp đặt với Venezuela đang tiến triển cùng với các cuộc đàm phán của chính phủ với Nền tảng Hợp nhất của Venezuela - khối đối lập thân Mỹ.

Sáu tuần trước đó, Diễn đàn Dân sự - nền tảng bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các nhà hoạt động và doanh nhân có danh tiếng - đã họp với Tổng thống Nicolás Maduro. Trong một bức thư ngỏ gửi tổng thống Mỹ, 25 nhân vật đối lập Venezuela trong giới truyền thông và doanh nghiệp tư nhân đã yêu cầu việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Washington do những tác động tiêu cực mạnh mẽ của nó đối với phúc lợi của nhân dân.

Những vận động này đã cho thấy chính sách của Mỹ đã mất đi sự ủng hộ trong mê cung các phe phái đối lập tại Venezuela, và cơn giông bão phản ứng chính trị-xã hội chống lại các biện pháp cưỡng ép của Washington đã buộc ông Biden phải xem xét lại.

Mười tám nghị sỹ thuộc cánh tiến bộ của Đảng Dân chủ đã gửi một bức thư tới Tổng thống Biden đòi dỡ bỏ vô điều kiện các biện pháp cưỡng bức đơn phương chống Venezuela và tiếp tục các cuộc đối thoại với Caracas sau lần tiếp xúc đầu tiên vào tháng 3. Theo giới phân tích, loạt diễn biến này đã khiến cho lựa chọn gia tăng sức ép trừng phạt trở thành bất khả thi đối với Mỹ, đồng nghĩa với một thất bại toàn diện của chiến lược thay đổi chế độ qua chiến tranh kinh tế, tài chính và thương mại.

Việc giảm nhẹ một phần các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Venezuela và ngành dầu khí quốc gia Nam Mỹ này được Juan González, Giám đốc phụ trách Tây Bán Cầu của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, thông báo và sau đó được Phó tổng thống Venezuela Delcy Rodríguez xác nhận.

Tập đoàn Chevron được phép đàm phán trực tiếp với chính phủ Venezuela về việc tái khởi động các hoạt động khai thác tại quốc gia Nam Mỹ này, đổi lại việc nối lại thương lượng tại Mexico giữa chính quyền Caracas và phe đối lập - vốn bị đóng băng từ tháng 10/2021 sau vụ nhà ngoại giao Venezuela Alex Saab, cũng là một thành viên của chính phủ trong đàm phán, bị bắt giữ khi quá cảnh tại Cabo Verde theo yêu cầu của Mỹ.

Chevron đã đề nghị giúp tăng gấp đôi sản lượng dầu khí Venezuela chỉ sau một thời gian ngắn, điều cho phép Washington thay thế khoảng 700.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ Nga mà hiện đã không còn cập các cảng biển của Mỹ, sau lệnh cấm từ chính Nhà Trắng.

Song song với diễn biến này, hai doanh nghiệp nhà nước NIOC của Iran và PDVSA của Venezuela đã ký hợp đồng trị giá 110 triệu Euro để sửa chữa, nâng cấp nhà máy lọc dầu El Palito, một dấu hiệu thắt chặt quan hệ đồng minh chiến lược giữa hai nước có ngành dầu khí bị Mỹ công kích.

Trên thực tế, sự vận hành của cả nền công nghiệp dầu khí Venezuela thời gian vừa qua hầu như là nhờ có quan hệ đồng minh với Iran, một quan hệ bắt đầu với những chuyến tàu chở xăng từ đất nước Vùng Vịnh tới Venezuela vào năm 2020 và không ngừng được củng cố sau đó.

Quan hệ đồng minh với Tehran giúp Caracas tiếp cận được những vật tư và trang thiết bị công nghệ cần thiết, cũng như có thể tạo ra những mô hình tam giác để tiến hành hoạt động thương mại dầu khí, né tránh được các hành động chiến tranh kinh tế, tài chính và thương mại từ Washington.

Về phần mình, Iran tuyên bố khả năng sản xuất của mình đã trở lại mức trước khi đối diện chiến lược “áp lực tối đa” của Donald Trump từ năm 2018, với hơn 3 triệu thùng/ngày.

Ai được và ai mất trong cuộc đàm phán này? Dường như đã khá rõ rằng Washington đang mạo hiểm hơn Caracas. Khác với ông Biden, ông Maduro không phải chịu tổn thất chính trị trong nước với bước đi này.

Thậm chí là ngược lại, sự tái kích hoạt ngành công nghiệp dầu khí đồng nghĩa với những đồng USD “tươi” sẽ đổ vào ngân khố giúp Venezuela thúc đẩy nền kinh tế trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024, mà tới nay ứng cử viên chắc chắn duy nhất chính là ông Maduro./.

(VIetnam+)

Tin cùng chuyên mục